Thứ 6, 29/03/2024 09:03:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:47, 06/08/2014 GMT+7

Tập trung tuyên truyền giúp người dân không bán điều non

Thứ 4, 06/08/2014 | 07:47:00 236 lượt xem
BP - Những năm qua, tình trạng mua, bán vườn điều non, cầm cố đất trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp người dân nhận thức được hậu quả của việc bán điều non và vai trò của đất sản xuất trong phát triển kinh tế.

Bán điều non vẫn diễn ra

Ngày 30-7, ông Điểu Hơl, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Đồng Phú đã có buổi tiếp xúc với 81 hộ đồng bào DTTS của ấp Lam Sơn, xã Tân Phước.

Người dân ở ấp Lam Sơn, xã Tân Phước được tuyên truyền không bán điều non

Ông Điểu Hơl cho biết: “Đa số người dân cầm cố đất, bán vườn điều non trong một thời gian nhất định để lấy tiền chi tiêu, chữa bệnh hoặc mua sắm, xây nhà. Một bộ phận người dân vay tiền với lãi suất cao, không có khả năng trả nợ, phải thế chấp đất sản xuất, đất ở hoặc bán điều non, bán đất trừ nợ. Tình trạng này xảy ra nhiều ở các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng...”.

Hộ ông Điểu Kinh ở ấp Lam Sơn, không còn đất sản xuất do cầm cố đất để trả nợ. Ông Kinh cho biết: Không có nghề nghiệp, 10 người trong gia đình đều trông chờ vào 1,8 ha đất trồng điều. Năm 2013, vì cần tiền chữa bệnh nên gia đình đã vay của ông Nguyễn Đình Trung (người cùng thôn) 103 triệu đồng. Cuối năm 2013, không có tiền trả nợ nên gia đình bán vườn điều hơn 15 năm tuổi trong thời gian  5 năm để trả nợ. Hiện, cả nhà phải đi làm thuê kiếm sống.

Hộ chị Thị Ba Rai ở cùng ấp Lam Sơn cũng không còn đất sản xuất do thiếu nợ nên phải bán đất. Chị Ba Rai cho biết: “Do kinh tế khó khăn, tôi đã vay nợ và mua hàng thiếu của một người trong vùng với số tiền trên 130 triệu đồng. Năm 2013, đến hạn, gia đình phải bán hơn 1 ha điều để trả nợ. Hiện gia đình tôi không còn đất sản xuất. Hàng ngày, vợ chồng vào rừng hái măng, đọt mây, đến mùa đi hái tiêu, lượm điều thuê kiếm sống. Giờ gia đình có nguyện vọng trả lại 150 triệu đồng cho người mua đất để chuộc lại đất sản xuất”.

Nâng cao nhận thức
 cho người dân

Trước tình trạng bán điều non diễn ra trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã phối hợp Phòng Dân tộc huyện Đồng Phú triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Ông Điểu Hơl cho rằng: “Để tránh phát sinh tình trạng cầm cố đất, bán điều non, trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân (cả người mua lẫn người bán). Muốn làm được điều này phải đẩy mạnh tuyên truyền bằng cả 2 thứ tiếng (tiếng Xêtiêng và tiếng Việt) cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các phòng dân tộc huyện, thị cần mở các lớp tập huấn cho người có uy tín trong đồng bào DTTS để nâng cao nhận thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền” .

Ông Nguyễn Văn Đốc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Phú cho biết: “Vừa qua, huyện phối hợp các phòng, ban giải quyết việc làm cho 14 lao động của ấp Lam Sơn. Trong đó có 9 người làm công nhân cho Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước và 5 người làm công nhân cho Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé. Hiện Phòng Dân tộc giao Ban Mặt trận ấp thống kê số lao động có nhu cầu việc làm để tham mưu UBND huyện có biện pháp tác động đến các công ty nhằm giải quyết việc làm cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống”.

Ngoài hỗ trợ việc làm, UBND huyện Đồng Phú còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm, bố trí nguồn vốn phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS, trong đó ưu tiên 7 hộ tại ấp Lam Sơn, xã Tân Phước để các hộ trả nợ và chuộc lại đất đã bán.

Nhờ biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề và tìm việc làm cho người dân nên từ năm 2013 đến nay trên địa bàn huyện Đồng Phú không phát sinh thêm hộ cầm cố đất, bán điều non.

Thùy Hương

  • Từ khóa
49598

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu