Thứ 7, 20/04/2024 21:13:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:08, 15/02/2016 GMT+7

Tự hào nữ pháo binh, đội thồ Khu 10

Thứ 2, 15/02/2016 | 08:08:00 3,286 lượt xem

BP - “Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Long, Phước Long, Khu 10 xưa là địa bàn xung yếu của địch, là vùng tác chiến dành riêng cho Sư đoàn kỵ binh bay, Sư đoàn 18 và các đơn vị tổng trù bị của địch. Ngày đó, mỗi lần bộ đội vượt quốc lộ 13, 14 là một lần phải chịu hy sinh bởi địch chống trả rất quyết liệt. Thời điểm ác liệt nhất vào những năm 1970, nữ pháo binh, đội thồ hy sinh nhiều nhất” - ông Huỳnh Thiện Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh ngậm ngùi nhắc lại thời hoa lửa của nữ pháo binh, đội thồ nhân ngày gặp mặt.

“NHỮNG BÔNG HOA TRÊN TUYẾN LỬA”

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở chiến trường Khu 10 có trung đội nữ pháo binh trực thuộc Quân khu 10 gồm 36 người chiến đấu tại Phước Long, Gia Nghĩa (Quảng Đức). Ở chiến trường Bình Long có trung đội nữ pháo binh gồm hơn 20 chị, trực thuộc Tiểu đoàn 368 chiến đấu tại sân bay Téc - ních, Chi khu quân sự An Lộc. Ở chiến trường Phước Long có tiểu đội nữ pháo binh gồm 20 người, chiến đấu tại các chi khu Phước Long, Phước Bình, Đức Phong. Hình ảnh nữ pháo binh, đội thồ trong những ngày tháng ở chiến trường ác liệt được Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Chính ủy K50 khắc họa chân thật, sinh động bằng những câu thơ: “... Kháng chiến gái cũng như trai/ Đàn bà đánh giặc xưa nay lẽ đời/ Chị em mười bảy đôi mươi/ Trải qua thử thách nhiều năm chiến trường/ Đói cơm lạt muối xem thường/ Ngô khoai, lá bép, rau rừng thay cơm/ Nắng mưa dầu dãi sớm hôm/ Sốt rừng nóng lạnh từng cơn đã tường...”.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho nữ pháo binh, đội thồ, tải nhân ngày họp mặtLãnh đạo tỉnh tặng hoa cho nữ pháo binh, đội thồ, tải nhân ngày họp mặt

Bà Dương Thị Tuyết, Trưởng ban liên lạc nữ Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước cho biết: “Nhiệm vụ của nữ pháo binh là pháo kích công đồn, chặn đường tiếp vận của địch, mở đường yểm trợ cho bộ binh tấn công vào chi khu quân sự, đồn bốt địch. Với lòng yêu nước nồng nàn, đội thồ nữ đã không ngại gian khổ băng rừng, vượt suối cùng những chiếc xe thồ nặng gấp 5 lần trọng lượng cơ thể tiếp lương, tải đạn, đưa thương binh ra hậu cứ chữa trị. Nữ pháo binh, đội thồ tải, Khu 10 nói chung đã tham gia hàng trăm trận đánh cùng bộ binh tiêu diệt sinh lực địch, góp phần cùng quân và dân Bình Long, Phước Long làm nên chiến thắng lẫy lừng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, mùa hè đỏ lửa 1972 và chiến dịch mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Ngày ấy, nữ pháo thủ Phạm Thị Ngọc Tâm ở ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh mới 17 tuổi. Bà Tâm nhớ lại: “Tháng 10-1968 đến năm 1971, tôi tham gia Đội cối 82 và DKZ, thuộc Tiểu đoàn 368 ở chiến trường Bình Long. Thời đó, những nữ pháo binh tuổi đời mười tám đôi mươi, chẳng sợ hiểm nguy, gian khổ. Giữa đêm khuya, trong âm thanh ầm ì của trực thăng tuần đêm và pháo cảnh giới, đội pháo binh nữ vẫn cặm cụi “cắt rừng” với nòng súng cối 82 trĩu nặng trên vai. Nhưng những vất vả ấy không thấm gì so với việc phải tính toán, đo đạc để bắn chính xác mục tiêu, tiêu diệt thật nhiều địch, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Tại sân bay Téc - ních, Đội cối 82 đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công. Và cũng tại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh, không ít người bị thương”.

Là người địa phương nên tháng 6-1971, bà Tâm được điều về xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) để nắm tin tức, chuyển thuốc, lương thực và bố trí lực lượng cho chiến trường. Từ năm 1972-1975, bà Tâm được bầu làm Trung đội phó Đội cối 82, Đại đội C31. Bà Tâm cho biết: Điểm nổi bật của Đại đội C31 là tập hợp hầu hết con em ở huyện, do đó, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ luôn ổn định, quyết tâm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ quê hương. Nhờ đoàn kết, gắn bó mật thiết nên cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

NGÁT HƯƠNG THỜI BÌNH

Cuối năm 1976, bà Tâm làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, sau đó là Trưởng trạm y tế xã Lộc Hòa. “Làm việc tại nơi mình sống, chiến đấu, tôi ý thức trách nhiệm nặng nề hơn. Ngày đó dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào S’tiêng sinh sống. Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, đặc biệt ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân còn hạn chế. Nhiều người bệnh không đến trạm y tế chữa trị mà mời thầy mo về cúng khi bị sốt xuất huyết... Tôi phải đi bộ đến từng nhà hướng dẫn họ cách chăm sóc sức khỏe” - bà Tâm chia sẻ. Ghi dấu ấn trong lòng mọi người nên người dân ở đây vẫn gọi vui bà là “chiến sĩ đi qua hai cuộc chiến”. Từ nữ pháo thủ chiến đấu gan dạ trên chiến trường, hòa bình lại trở thành chiến sĩ trên mặt trận chống bệnh tật, bà hiện không nhớ đã chữa khỏi cho bao nhiêu bệnh nhân, đặt tên cho bao nhiêu đứa trẻ. Chỉ biết giờ nhiều cháu vẫn gọi bà với cái tên thân thương “mẹ Tâm”.

Trưởng ấp Phạm Thị Ngọc Tâm (bên trái) hướng dẫn người dân cách chăm sóc tiêuTrưởng ấp Phạm Thị Ngọc Tâm (bên trái) hướng dẫn người dân cách chăm sóc tiêu

Trải qua thời khốc liệt của chiến tranh, đội nữ pháo binh hơn 20 người năm xưa, giờ chỉ 8 người còn sống! Hơn ai hết bà Tâm và đồng đội luôn trân trọng những phút giây quý giá của hòa bình. Tình yêu với mảnh đất nơi sinh ra, lớn lên và chiến đấu đã trở thành chất keo gắn bó khiến bà Tâm muốn cống hiến nhiều hơn khi ở tuổi ngoài 60. Năm 2007 về hưu, bà được bầu làm Bí thư chi bộ ấp 8A, rồi làm Trưởng ấp 8C, xã Lộc Hòa. Bà được người dân tin tưởng, quý mến bởi tính tình thẳng thắn, nói được làm được và luôn gần gũi, chan hòa, chia sẻ với dân nghèo.

Chiến tranh đã đi qua, những nữ pháo binh, đội thồ, tải năm xưa người còn, người mất nhưng công sức, tài năng, xương máu, sự hy sinh thầm lặng của họ mãi được nhớ đến. “Những bông hoa trên tuyến lửa” ngày ấy vẫn kiên định giữ gìn phẩm chất tốt đẹp và tỏa hương trong thời bình, là hình mẫu để thế hệ trẻ khắc ghi, học tập về truyền thống yêu nước quý báu ngàn đời của dân tộc Việt Nam.                

Hà Phương

  • Từ khóa
14981

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu