Thứ 6, 29/03/2024 22:40:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:45, 07/09/2018 GMT+7

Mong “đánh thức” tiềm năng du lịch

Thứ 6, 07/09/2018 | 06:45:00 401 lượt xem
BP - Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 3 ngày vừa kết thúc, anh bạn đồng hương cũng kết thúc chuyến đi họp lớp tại Hà Nội trở về. Trước khi trở lại guồng quay làm việc bình thường, anh chuẩn bị ít “mồi” cho một cuộc nhậu “sương sương”. Mấy anh em đồng hương lại có dịp quây quần bên nhau.

Chuyện trên trời dưới biển, từ thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại đấu trường Asiad 2018 đến những bất ngờ thú vị tại kỳ chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2018. Loanh quanh thế nào, câu chuyện lại trở về với đề tài du lịch. Anh bạn lấy điện thoại, cho mọi người xem một điểm du lịch tại Mộc Châu (Sơn La) mà chuyến họp lớp vừa rồi, anh tranh thủ đi chơi cùng mấy người bạn và ghé qua. Chỉ vào tấm hình, anh nói: Cái hồ nước này, nếu so với hồ Suối Cam, hồ Suối Lam hay hồ thủy điện Cần Đơn, thủy điện Thác Mơ của Bình Phước, nó chỉ xứng là một cái ao nhỏ. Vậy mà họ đầu tư trồng cây xanh, thảm cỏ, xây lên mấy cái cầu giả, vài hòn núi nhân tạo... thế là thành một khu du lịch, thu hút khá nhiều người đến chơi.

Mùa cao su thay lá tạo nên vẻ đẹp nao lòng, quyến rũ nhiều du khách - Ảnh: Nguyễn Bình

Từ nhận xét của anh bạn, câu chuyện về tiềm năng du lịch Bình Phước trở nên rôm rả. Ai cũng có chung nhận xét: Bình Phước có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, lạ mà ít nơi nào có được. Đó là trảng cỏ Bù Lạch với diện tích khoảng 500 ha ở xã Đồng Nai (Bù Đăng). Bước vào trảng cỏ, ai cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng. Những bãi cỏ rộng lớn xanh mướt trải dài bao bọc lấy các bàu nước xanh trong, xung quanh là rừng nguyên sinh bạt ngàn. Trảng này nối tiếp trảng kia, xanh ngút ngàn mà vẫn không lẫn trong những cánh rừng nguyên sinh. Điều kỳ lạ là 2 hệ thực vật không hề xâm lấn nhau mà như sinh ra để cùng tạo nên một vẻ đẹp kỳ diệu của tạo hóa. Là vẻ đẹp như mơ của hồ thủy điện Thác Mơ. Rộng khoảng 12.000 ha, giữa hồ có nhiều hòn đảo, xung quanh hồ rợp bóng cây xanh. Hồ là nơi cung cấp nước cho thủy điện Thác Mơ và gắn kết với núi Bà Rá, tạo thành cụm du lịch trên núi, dưới hồ. Là Vườn quốc gia Bù Gia Mập với hệ động - thực vật phong phú, cũng là nơi lưu trữ nhiều loại gen quý, hiếm. Vườn là điểm đến phù hợp với những ai thích du lịch mạo hiểm và khám phá thiên nhiên hoang dã. Là hồ Suối Giai ở xã Tân Lập (Đồng Phú). Bất kể mùa nào, nước trong hồ cũng mát rượi, trong veo. Mặt hồ phẳng lặng như gương. Lòng hồ ít bùn đất nên du khách có thể bơi lội, chèo ghe hay cùng ngư dân giăng lưới bắt cá. Là hồ Suối Lam ở xã Thuận Phú (Đồng Phú). Tọa lạc giữa rừng cao su tươi tốt, hồ ôm trọn màu xanh của nước, cây cối và bầu trời. Đến đây, du khách có thể bơi thuyền, câu cá, cắm trại trong vườn cây ven hồ và có thể thưởng thức cá suối nướng ăn kèm rau rừng tại các quán ăn quanh hồ. Là núi Bà Rá ở phường Sơn Giang và Thác Mơ (Phước Long). Đây là ngọn núi cao nhất của Bình Phước, cao thứ ba khu vực Nam bộ và là đích đến của rất nhiều phượt thủ. Từ trên đỉnh núi, du khách sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Thác Mơ hiền hòa dưới chân núi. Nhưng đặc biệt nhất ở Bình Phước là vẻ đẹp của rừng cao su vào mùa thay lá. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ hay Canada luôn mê hoặc du khách khi mùa đông tới với những hàng cây lá đỏ rực rỡ thì rừng cao su mùa thay lá ở Bình Phước cũng sẽ khiến bạn ngỡ ngàng. Bạn không chỉ có những bức ảnh tuyệt đẹp không khác gì chụp ở châu Âu mà còn được khám phá những khu rừng cao su, nghe rất rõ tiếng chim gọi bầy, tiếng lá xạc xào trong gió và phủ đầy trên tóc bạn. Và còn rất nhiều cảnh quan thiên nhiên khác như thác Voi, thác Đứng, thác Đắk Mai, Bãi Tiên... mà không thể liệt kê hết ra đây.

Đó là những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng con người Bình Phước.

Nhưng đáng quý hơn, Bình Phước còn được mệnh danh là “miền di sản” với hàng trăm di tích, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt; 10 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn rất nhiều di tích chưa được xếp hạng. Tuy nhiên, cùng với sự bào mòn của thời gian, do những khó khăn về nguồn vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực để thực hiện bảo tồn, tôn tạo, khai thác các di tích nên hiện nhiều di tích đã xuống cấp. Trước thực trạng đó, đầu tháng 6 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Tại buổi tọa đàm, rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, người làm công tác chuyên môn, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đã được chuyển tới lãnh đạo tỉnh. Hầu hết ý kiến cho rằng: Thật tự hào khi Bình Phước có đủ cả 4 loại hình di tích: lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh, nhưng tỉnh cần “làm gì đó” để những di tích ở Bình Phước quay trở lại phục vụ hiệu quả đời sống văn hóa của con người chứ không thể cứ loay hoay với việc trùng tu, tôn tạo nửa vời và không mang lại hiệu quả.

Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lại có quốc lộ 13 nối với Vương quốc Campuchia và Lào; với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng hệ thống di tích lịch sử dày đặc, Bình Phước hội tụ rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Mong sao những tiềm năng du lịch của tỉnh sớm được “đánh thức”, để không cần phải đi xa, ai cũng có thể mãn nhãn và tự hào giới thiệu với bạn bè gần xa những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, những di tích mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trên quê hương Bình Phước anh hùng.

Thảo Linh

  • Từ khóa
90224

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu