Thứ 4, 17/04/2024 00:51:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 14:16, 09/10/2016 GMT+7

LỘC NINH:

Môn bơi lội chưa mạnh do yếu lực

Thế Tường
Chủ nhật, 09/10/2016 | 14:16:00 525 lượt xem
BP - Từ năm 2015 đến nay, huyện Lộc Ninh đã thực hiện nhiều chương trình đưa bộ môn bơi vào dạy cho đối tượng thanh thiếu niên trên địa bàn. Nhờ đó, số trẻ biết bơi và có những kỹ năng bơi tăng nhanh nên số vụ đuối nước cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, học viên tham gia các lớp bơi còn thấp, không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực phổ cập môn bơi của huyện.

GIAN NAN VẬN ĐỘNG  HỌC VIÊN ĐẾN LỚP

Lộc Ninh hiện có 1 lớp năng khiếu bơi do Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện phụ trách, học viên là học sinh thuộc các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Qua lớp học sẽ phát hiện, tuyển chọn vận động viên (VĐV) vào tuyển bơi lội của huyện. Tuy nhiên, lớp lại đang rất “đói” học viên dù trung tâm liên tục tuyển sinh. Tính từ năm 2013, huyện đã tổ chức 6 lớp bơi với sĩ số bình quân 30 học viên/lớp nhưng hiện tại lớp chỉ có 11 em. Do đó, các huấn luyện viên (HLV) phải cùng lãnh đạo trung tâm, Phòng GD-ĐT, các trường học tới tận nhà vận động phụ huynh cho con em học bơi.

HLV Phạm Văn Tuyên hướng dẫn học viên trước khi xuống hồ bơiHLV Phạm Văn Tuyên hướng dẫn học viên trước khi xuống hồ bơi

Tham gia lớp học bơi được hơn 3 tháng, em Nguyễn Hoàng Phúc, học sinh Trường THCS Lộc Tấn cho biết: “Em rất thích học bơi. Nhờ đó em yên tâm khi xuống nước, sức khỏe cải thiện và tinh thần thoải mái. Học chung lớp với em có nhiều bạn muốn học bơi nhưng không thể tham gia do cha mẹ không cho phép”. Đưa con đến hồ bơi, phụ huynh của em Phúc nói: “Những lớp năng khiếu bơi được đông phụ huynh ủng hộ do chi phí bỏ ra chỉ 100 ngàn đồng/khóa nhưng lại rất hiệu quả”.

Do phần lớn học sinh có phụ huynh là công nhân cao su, điều kiện kinh tế khó khăn nên sau giờ học, các em phải phụ giúp việc nhà, không thể tham gia các lớp học bơi. Nhiều em muốn đi học bơi nhưng vì nhà xa, không có người đưa đón nên cũng không thể đến lớp tập luyện. Một số phụ huynh có điều kiện lại không muốn con theo ngành thể thao chuyên nghiệp. Mặt khác, nhiều phụ huynh cho con bỏ học khi thấy trẻ bị bệnh sau vài buổi học bơi.

Thất bại trong việc thuyết phục phụ huynh cho con học bơi là chuyện “cơm bữa” với HLV Phạm Văn Tuyên của tuyển bơi huyện Lộc Ninh. Anh chia sẻ: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là lần vận động một học sinh ở xã Lộc Thái tham gia tuyển bơi vào đầu năm 2014. Tôi bỏ ra 5 buổi tới nhà học sinh đó vận động cha mẹ em, nhưng đều không có kết quả. Sau cùng, tôi phải đến tận nhà ông bà nội, ngoại của em nhờ họ thuyết phục mới nhận được cái gật đầu từ cha mẹ em. Vì có tiềm năng nên chỉ gần 3 tháng tập luyện, em đã được chọn đưa lên tỉnh, nhưng do không muốn xa con nên cha mẹ đã đưa em về nhà”.

Sau thời gian đào tạo, những VĐV không có sự cải thiện thành tích sẽ phải nhường chỗ cho các VĐV khác. Quá trình chọn lọc nghiêm khắc này đòi hỏi HLV phải vận động học viên quanh năm. Ngoài ra, cả huyện có 3 bể bơi tư nhân nhưng chưa có bể bơi nào đạt chuẩn. Lực lượng cán bộ thể dục thể thao còn thiếu, một số người tuy được đào tạo cơ bản về chuyên môn nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Tất cả yếu kém về nhân, vật lực khiến môn bơi ở Lộc Ninh có thành tích nghèo nàn vì chưa giành được huy chương nào trong các kỳ đại hội thể dục thể thao tỉnh.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

“Để đảm bảo sức khỏe, tránh các bệnh liên quan tới hô hấp, cảm lạnh cho người học, chúng tôi chia lịch học làm 2 ca: từ 8-9 giờ 30 phút và từ 15-16 giờ 30 phút. Trước khi xuống hồ bơi, các em đều được HLV dành 30 phút tập các bài khởi động làm ấm cơ thể, tránh bị chuột rút. Sau 1 giờ tập luyện dưới hồ bơi, học viên nghỉ ngơi và vệ sinh thân thể, tránh nguy cơ mắc các bệnh về mắt, tai - mũi - họng” - anh Tuyên nói.

Để học viên không bị quá tải khi vừa tập bơi vừa phải hoàn thành chương trình học văn hóa, HLV Phạm Văn Tuyên đã quan tâm cải tiến giáo án. Anh Tuyên cho biết: “Lớp chỉ luyện tập vào cuối tuần để giảm áp lực cho học viên. Trong giảng dạy, tôi tập trung vào kiến thức cốt lõi, coi trọng tập luyện thực tế. Sau mỗi buổi dạy, tôi tự rút kinh nghiệm để xây dựng, bổ sung kiến thức, kỹ năng giúp giáo án giảng dạy dễ hiểu và tiếp thu hơn”.

Dù môn bơi không được đánh giá cao nhưng nhờ sự nỗ lực của người dạy nên 100% học viên đều có kỹ năng bơi và cứu đuối, do đó đã cải thiện đáng kể số vụ học sinh bị đuối nước. Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lộc Ninh nhận định: “Nhiều thiếu niên tại Lộc Ninh có hình thể phù hợp trở thành VĐV bơi lội chuyên nghiệp. Chỉ cần rèn luyện về sức khỏe, kỹ thuật và kinh nghiệm là các em có thể tham gia tranh tài. Thời gian tới, trung tâm sẽ tập trung đưa môn bơi phát triển theo chiều sâu để giành huy chương trên các đấu trường”.

  • Từ khóa
101336

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu