Thứ 6, 29/03/2024 13:28:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:58, 28/08/2020 GMT+7

Lừa đảo thời 4.0 - Bài 1

Ngọc Bích
Thứ 6, 28/08/2020 | 09:58:00 2,245 lượt xem
BPO - Lừa đảo qua mạng, lừa đảo thời công nghệ 4.0 là những cụm từ xuất hiện nhiều năm trở lại đây. Ngành chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo. Tuy nhiên, những chiêu lừa đảo tưởng chừng như vô lý nhưng lại ngày càng có nhiều người mắc bẫy. Thời kỳ 4.0, trong tất cả lĩnh vực, cuộc sống của người dân đều có sự hiện diện của công nghệ thông tin. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi lừa đảo trên nền tảng công nghệ cũng xuất hiện và ngày càng tinh vi. Những người sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội không đúng mục đích, cộng với sự thiếu hiểu biết và hám lợi, họ đã trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo.

BỨC TƯỜNG CỦA TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ

Nếu bóng đêm là lợi thế để các tên trộm theo hình thức truyền thống lẩn trốn, thì tội phạm thời công nghệ xem công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội như facebook, viber, zalo, sim điện thoại rác, ví điện tử… là bức tường chắn an toàn để thực hiện hành vi lừa đảo.

Kết bạn facebook với tài khoản lạ từ nước ngoài là hiểm họa rình rập với người dùng mạng xã hội và chị Ngô Thị Xuân đã mất lượng lớn tài sản

Bằng nhiều hình thức khác nhau, như: lập trang web ảo, tạo nickname giả và lấy hình ảnh trên mạng, giả danh cơ quan chức năng… tội phạm công nghệ tạo ra các tình huống, hoàn cảnh bi đát và các vụ án hình sự đang điều tra để lừa đảo những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết. Những chiêu lừa tưởng chừng đã cũ, vô lý ấy lại ngày càng khiến nhiều người mắc bẫy.

Tình - tiền bay theo gió

- Bên em đã làm giấy tờ cho chị được rồi hả?

- Dạ, cái này không có phí để thanh toán, nên bị mất rồi.

- Số tiền chị đóng cho em 2,8 tỷ đồng để làm giấy tờ mất rồi hả?

- Đúng rồi chị, bởi vì muốn lấy được hàng phải chuyển hết các khoản phí nộp phạt. Vì gói hàng không có đủ giấy tờ nên bị xem là hàng lậu trái pháp luật.

- Sao em không kêu chị đóng phạt cho đủ? Bây giờ không hoàn thành các thủ tục, làm chị mất luôn 2,8 tỷ đồng đó và mất luôn cả hàng?

- Có gì chị hỏi bên quản lý. Còn bây giờ mình phải đóng thêm tiền để bên em chuyển hàng, còn không em chuyển hàng cho người khác.

- Thôi, bây giờ chị không có tiền đóng nữa. Em hỏi bên quản lý có cho chị lấy hàng về để chị có tiền chị đóng tiếp. Nếu không thì cho chị lấy lại số tiền đợt trước chị chuyển dư 21 triệu đồng qua tài khoản riêng của em. Chị có gửi lại số tài khoản của chị rồi, em chuyển lại cho chị với.

- Chị gọi quản lý hỏi, chứ chị hỏi em không biết trả lời sao luôn.

Đó là một đoạn hội thoại trong số nhiều cuộc điện thoại của chị Trịnh Thị Sơn (42 tuổi) ở huyện Hớn Quản, đã gọi cho những kẻ lừa đảo để đòi lại số tiền đã “trót dại” chuyển cho các đối tượng này trong lúc làm việc với cơ quan công an ngày 14-8-2020, tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước.

Chị Trịnh Thị Sơn trình báo về vụ việc bị tài khoản facebook Reco Bass lừa đảo chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng với Công an tỉnh

Dù đầu dây bên kia có hồi đáp nhưng là những lời nói vòng vo và tiếp tục dụ dỗ “con mồi” đóng thêm tiền để hoàn thành thủ tục nhận quà. Đánh vào lòng tham là cách các đối tượng “nắm cán” điều khiển con mồi. Vì đã lỡ bỏ ra số tiền lớn nên các bị hại chỉ mong lấy lại những gì đã mất, hoặc nhận được “gói quà thần thánh” mà các đối tượng lừa đảo gửi để có tiền trang trải số nợ đã trót vay nóng. Và như thế, cái bẫy đã sập, cứ ngày một ngập sâu hơn.

Trước đó, chị Sơn đã kết bạn với tài khoản Reco Bass, tự xưng là quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ tại Afghanistan. Sau 2 tháng quen biết, chị Sơn bị lừa 2,8 tỷ đồng. Thủ đoạn mà tài khoản Reco Bass sử dụng là xây dựng mối quan hệ tình cảm cá nhân với chị Sơn, để tạo sự tin tưởng. Sau khi có được tình cảm và niềm tin từ chị Sơn, tài khoản Reco Bass đã nhờ chị nhận gói quà gồm tiền mặt là đô la Mỹ, kim cương… có trị giá lên đến hơn 30 tỷ đồng Việt Nam và hứa chia cho chị Sơn khoản tiền lớn trong số 30 tỷ đồng này.

Chị Sơn đã trót trao niềm tin cho các đối tượng lừa đảo, trong chốc lát cả tình và tiền đều theo gió bay đi.

Trao niềm tin, nhận... bài học cay đắng

Ông ấy nói chuyển gói hàng có trị giá 19 tỷ đồng về Việt Nam và nhờ tôi đặt cọc tiền mua nhà để ông ấy về Việt Nam sinh sống. Vì thế, tôi tin tưởng chuyển các khoản tiền nộp phạt qua hải quan, an ninh, công an để lấy gói hàng về. Đi vay lãi nóng nên xót ruột, càng xót ruột tôi càng đi mượn mong lấy số tiền đó ra để trả nợ. 

Chị Ngô Thị Xuân ở thành phố Đồng Xoài

Tương tự như chị Sơn ở Hớn Quản, chị Ngô Thị Xuân (37 tuổi) ở TP. Đồng Xoài cũng bị lừa cho đến không còn gì, không còn khả năng vay mượn nữa mới “bể”. Kết bạn qua facebook với tài khoản Jonh Alexander, chị Xuân đã dốc hết tiền trong nhà, sau đó còn vay nóng 2,864 tỷ đồng, với lãi suất 3.000 đồng/triệu đồng/ngày, để chuyển cho các đối tượng lừa đảo.

Sau 2 tháng quen biết và chỉ trong vòng 10 ngày (từ 10-2-2019 đến 19-2-2019), chị Xuân chuyển tiền cho “người anh trai” tên trên facebook Jonh Alexander 22 lần, với tổng 2 tỷ 864 triệu đồng để nhận được gói hàng mà chủ nickname này gửi cho.

Những lời nói ngọt ngào mà đối tượng lừa đảo gửi cho chị Ngô Thị Xuân

Rốt cuộc, gói hàng của “người anh trai nơi xứ người” gửi cho chị trị giá 19 tỷ đồng kèm theo lời hứa sẽ chia cho phần lớn trong đó, đã bay theo gió. Nhà nghèo, tiền mất, khủng hoảng vì bị lừa đảo, chị Xuân đã tìm đến cái chết nhưng được người thân khuyên can và đi trình báo công an để được giúp đỡ.

Vô lý nhưng nhiều “cá vẫn cắn câu”

Ngày 21-11-2019, chị Lý Họa Mi (34 tuổi) ở huyện Đồng Phú vừa bán hàng ăn sáng xong thì có cuộc điện thoại lạ lúc 11 giờ, với nội dung chị đã bị triệu tập 3 lần phục vụ cho một vụ án Công an Hà Nội đang điều tra nhưng vắng mặt. Sau đó, cuộc điện thoại có nội dung “Để biết thêm chi tiết, hãy bấm phím 9”. Vừa hoang mang vừa tò mò nên chị Mi đã bấm phím 9 để đối chất. Và từ đó cuộc “khẩu cung” qua điện thoại bắt đầu.

Trong suốt 6 giờ liền, từ 11 giờ 15 phút đến 16 giờ 15 phút, điện thoại của chị Mi ở huyện Đồng Phú bị các đối tượng giả danh Công an Hà Nội, Viện kiểm sát Hà Nội… gọi điện liên tục để “khẩu cung”. Ban đầu, chị đấu tranh, đối chất nhưng qua đòn tâm lý của các đối tượng lừa đảo, chị bắt đầu hoang mang và làm theo những gì chúng yêu cầu.

Phòng Cảnh sát hình sự thực hiện thẩm quyền điều tra từ 500 triệu đồng trở lên. Từ giữa năm 2019 đến nay, chúng tôi đã thụ lý 11 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, số tiền thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, công an một số huyện, thị xã cũng thụ lý nhiều vụ án mà số tiền thiệt hại từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Thượng tá Nguyễn Thành Sơn, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh

Chị Mi cho biết: Chúng nói tôi có mở tài khoản ở Agribank tại chi nhánh Hà Nội và mua đồ qua tài khoản này thiếu nợ 50 triệu đồng không trả. Và chuyển máy cho Công an Hà Nội số máy 001310040, gặp Trung úy Lê Quang Thành, mã số thẻ 3266 yêu cầu tôi trình bày nội dung. Sau đó, họ kiểm tra số chứng minh nhân dân của tôi và thông báo tôi còn mở một tài khoản tại Viecombank chi nhánh Hà Nội, có liên quan đến việc mua bán ma túy của 2 tội phạm khác. 2 tội phạm này đã khai tôi là đồng phạm và đã chuyển cho tôi số tiền 256 triệu đồng. Nếu không muốn bị triệu tập ra Hà Nội thì phải khai trung thực và cuộc khai báo này được ghi âm nên không được gián đoạn. Nếu kê khai không trung thực thì sau 16 giờ, tài sản sẽ bị đóng băng để phục vụ điều tra. Sau khi kê khai tài sản thì được yêu cầu chuyển hết tài sản cho Viện kiểm sát Hà Nội theo yêu cầu để phục vụ điều tra, nếu tài sản đó không liên quan đến vụ ma túy sẽ trả lại.

Bị khủng bố tinh thần trong nhiều giờ liền, không đủ tỉnh táo, đến 16 giờ 15 phút cùng ngày, chị Mi đã đi tất toán tất cả sổ tiết kiệm trong gia đình để chuyển cho tài khoản 175335823582 của ông Mai Xuân An, có số chứng minh nhân dân 241206680, mở tại ngân hàng SCB chi nhánh Quang Trung, TP. Hồ Chí Minh với số tiền 1 tỷ 25 triệu đồng. 

Phần lớn các vụ án, khi nạn nhân trình báo thì các tài khoản ngân hàng nhận tiền đều bị xóa. Riêng trường hợp của chị Lý Họa Mi, do chuyển tiền khác ngân hàng và hết giờ làm việc, đồng thời nạn nhân đã chia sẻ với người thân và được can thiệp kịp thời nên chặn được số tiền không chuyển đến tài khoản lừa đảo. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như chị Mi, tỉnh táo kịp thời để khắc phục hậu quả.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

  • Từ khóa
33179

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu