Thứ 7, 20/04/2024 05:43:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:00, 14/04/2018 GMT+7

Long Bình - 20 năm dựng xây, phát triển

Thứ 7, 14/04/2018 | 09:00:00 3,732 lượt xem
BP - Ngày 14-4-1998, xã Long Bình được thành lập với diện tích tự nhiên 6.350 ha, 4.911 người, trong đó 22,75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, Long Bình hiện thuộc huyện Phú Riềng, với diện tích tự nhiên 9.501 ha, 11 thôn, 2.223 hộ, 10.002 người. Từ một vùng “rừng thiêng nước độc”, Long Bình hôm nay có nhiều công trình, dự án lớn. Sự chung tay đoàn kết của những con người đến từ mọi miền đất nước về đây lập nghiệp đã vẽ nên bức tranh Long Bình tươi sáng hôm nay.

Nét vẽ đầu tiên

Năm 1980, trên 600 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 3, Binh đoàn 23, Quân khu 7 đến khai hoang vùng đất Long Bình. Họ là những người đặt nét vẽ đầu tiên cho bức tranh Long Bình. Từ một vùng đất còn nhiều dấu tích của chiến tranh, năm 2017 tổng sản phẩm toàn xã đạt 390,115 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 1998. Sau 1 năm thành lập, thu ngân sách năm 1999 của Long Bình chỉ 398 triệu đồng, đến năm 2017 đạt 2,11 tỷ đồng. Điều đặc biệt là nguồn thu này chủ yếu từ đóng góp của nhân dân.

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Long Bình đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2

Hiện xã có 32 trang trại, nhiều cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như chế biến điều, sản xuất và chế biến đồ gỗ... Diện tích cây cao su năm 1998 của xã chỉ khoảng 50 ha, hiện nay trên 2.100 ha, sản lượng tăng gần 50 lần. Diện tích cây điều 519 ha năm 1999, hiện nay 2.407 ha... Thu nhập bình quân năm 1999 là 2,5 triệu đồng, đến năm 2017 là 39 triệu đồng/người/năm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở thôn 4, xã Long Bình có 25 ha hồ tiêu. Nhớ lại ngày đầu đến Long Bình lập nghiệp, chị Thơm cho biết: “Ngày trước, nơi đây là một đồi dốc, vợ chồng tôi đã chọn cây tiêu làm kinh tế. Không có máy tưới, máy tuốt tiêu, xe phun xịt thuốc như bây giờ. 20 năm gắn bó với cây tiêu, gia đình tôi trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đến giờ có thể nói đây là vùng đất lành với gia đình tôi. Hiện nhà tôi luôn có 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, trả công trung bình 5 triệu đồng/người/tháng”.

Những chấm phá tươi sáng

Những ngày đầu mới thành lập, tỷ lệ hộ sử dụng điện của xã chỉ 21%. Đến nay 100% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng đạt 97,8%. Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và đầu tư của Công ty cao su Phú Riềng, Công ty cổ phần thủy điện Srok Phu Miêng và của nhân dân đóng góp, hệ thống giao thông trên địa bàn xã được xây dựng mới, nâng cấp trên diện rộng. Hiện tất cả thôn có đường ôtô đến trung tâm, trong đó có 31,5km đường nhựa, 2,5km đường bê tông, 90km đường sỏi đá. Xã có 5 cây cầu được xây kiên cố với tổng chiều dài hơn 45m. Cuộc sống của người dân ngày càng khá, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn.

Anh Nguyễn Hữu Niên ở thôn 1, xã Long Bình cho biết: Từ ngày làm đường giao thông theo chương trình nông thôn mới, Nhà nước cấp xi măng, cát, đá, các hộ dân đã tích cực đóng góp đối ứng, nhiều con đường được bê tông hóa. Đường làng, ngõ xóm khang trang, điện thắp sáng giúp đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự. Cuộc sống người dân Long Bình khởi sắc hơn rất nhiều.

Năm 1998, toàn xã có 3 trường học, đến nay có 5 trường, quy mô trường, lớp ngày càng mở rộng. Giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm hơn 92%. 100% phòng học cấp 4 trở lên, phòng học tạm được xóa bỏ, không còn tình trạng học sinh phải đi học ca ba. Xã đã xóa mù chữ, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học năm 1999 và hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2006.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết: “Năm 2001, trường được tách ra từ Trường tiểu học Long Bình. Ngày đầu trường gặp rất nhiều khó khăn, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất sơ sài, thiếu cán bộ, giáo viên. Bảng học được ghép từ những miếng gỗ nhỏ, bàn ghế học sinh tạm bợ... Tài sản lớn nhất của trường khi đó là sự đoàn kết, quyết tâm và nhiệt huyết của các thầy cô, sự chung tay của phụ huynh xây dựng cơ sở vật chất. Để rồi hôm nay trường lớp khang trang, chất lượng dạy học đảm bảo và đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2”.

Cũng là điểm sáng trong giáo dục, Trường THCS Long Bình nhiều năm qua duy trì trong nhóm 3 trường THCS đứng đầu của huyện Phú Riềng về mũi nhọn học sinh giỏi và giáo viên giỏi. Thầy Phạm Nhật Hậu, Phó hiệu trưởng Trường THCS Long Bình cho biết: Trong 2 năm từ 2016-2018, trường có 12 học sinh thi đậu Trường THPT chuyên Quang Trung. 5 năm trở lại đây, trường có 10 giáo viên giỏi cấp tỉnh và 22 giáo viên giỏi cấp huyện. Đội ngũ giáo viên của trường giàu kinh nghiệm, có chuyên môn và nhiệt huyết góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của xã.

“Trên địa bàn xã có Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng, hồ thủy điện cung cấp nước tưới cho hàng ngàn héc ta đất sản xuất, làm tăng lượng nước ngầm trong đất và góp phần rất lớn cải thiện môi sinh. Từ vùng đất ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, Long Bình nay mang một diện mạo hoàn toàn mới, xứng đáng với kỳ vọng ngày chúng tôi đến đây khai hoang lập nghiệp”.

Ông Trần Văn SỨ, cán bộ mặt trận thôn 7, xã Long Bình

Long Bình từng là xã khó khăn và có nhiều hộ đói, nghèo. Đến nay, hộ nghèo vẫn còn, nhưng không còn hộ đói. 20 năm qua, xã đã xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa và 40 căn nhà tình thương. Các hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn hàng chục tỷ đồng. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai rộng khắp và đầy đủ, như khám, chữa bệnh miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, miễn giảm học phí, tạo điều kiện cho sinh viên nghèo vay vốn...

Anh Điểu Phước ở xóm 3, thôn 7, xã Long Bình cho biết: “Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo. Khi có Chương trình 134, tôi được Đảng và Nhà nước xây nhà, cấp đất ở, đất sản xuất, cây giống. Từ đó tôi chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế và thoát nghèo từ năm 2015. Hiện tôi phối hợp cùng một số người bạn mua máy chẻ điều và nhận điều từ các xưởng về nhà tạo việc làm cho vợ con và một số hộ cùng xóm”.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Long Bình Lê Văn Chung cho biết: Hiện xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, xã vẫn còn 115 hộ nghèo, 41 hộ ở nhà tạm; tiểu thương chưa có chợ để ổn định kinh doanh, buôn bán. Tỷ lệ học sinh cấp hai bỏ học còn cao... Những vấn đề đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Bình không dễ dàng giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng với sự đoàn kết và quyết tâm cao, tôi tin tưởng Long Bình sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
1415

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu