Thứ 7, 20/04/2024 02:07:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:39, 22/03/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (23-3-1975 - 23-3-2019)

An Lộc qua lời kể của người trong cuộc

Thứ 6, 22/03/2019 | 15:39:00 2,377 lượt xem
BP - An Lộc là thị xã tỉnh lỵ Bình Long trước giải phóng, nơi tập trung các cơ quan đầu não quân sự, hành chính của Mỹ - ngụy trên địa bàn Bình Long. Cùng với sân bay Téc-ních, An Lộc là khu vực then chốt trên tuyến phòng ngự then chốt của địch, án ngữ một hướng quan trọng, cửa ngõ chính để tiếp cận Sài Gòn. Nơi đây địch bố trí một lực lượng lớn gồm Bộ tư lệnh nhẹ Sư đoàn 5, chiến đoàn bộ binh, tiểu đoàn bộ binh, đại đội pháo, lực lượng địa phương với tiểu đoàn bảo an, cảnh sát dã chiến, trung đội pháo... Vì vậy, địch cố giữ An Lộc đến cùng. Trong khi ta quyết tâm phải giải phóng An Lộc.

>> Sắc thắm trên những vùng quê lịch sử

Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Bộ tư lệnh Miền xác định tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh và Bình Long là hai trận đánh then chốt: Lấy hướng đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu, đường 22 làm hướng thứ yếu. Trên hướng thứ yếu khu vực từ ngã ba đường 17 lên Bắc Lộc Ninh, cụm cứ điểm Lộc Ninh được chọn làm khu quyết chiến then chốt mở màn chiến dịch. Từ ngã ba đường 17 xuống Bắc Chơn Thành, thị xã An Lộc được chọn làm khu quyết chiến trung tâm của chiến dịch.

Trung tướng Nguyễn Đức Xê

Ngày 13-4-1972, quân ta tiến công thị xã An Lộc. Trung tướng Nguyễn Đức Xê, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 9 - quân chủ lực tại mặt trận thị xã An Lộc, kể: “Ngày 11-5-1972, ta mở đợt tiến công mới vào thị xã An Lộc, đột phá tuyến phòng thủ nhiều tầng của địch. Sau một thời gian hỏa lực pháo binh bắn vào căn cứ quân sự, bộ đội ta đã mở toang cánh cửa và đột phá đánh chiếm các mục tiêu vòng ngoài. Sau khi giằng co quyết liệt ở cửa mở, đơn vị tôi đánh chiếm được toàn bộ vòng tuyến bên ngoài và chiếm được nhà giam, giải phóng toàn bộ đồng bào, đồng chí trong nhà giam An Lộc. Đến khoảng 9 giờ, hàng loạt máy bay phản lực từ hướng Sài Gòn bay lên và ném bom ào ạt vào phía Tây và phía Nam của thị xã. Bị bao vây tiêu diệt ở vòng ngoài, rất đông sĩ quan, binh lính ngụy bỏ chạy ra vùng giải phóng. Khi địch chạy thì đồng bào ở các vùng lân cận cũng ồ ạt chạy theo mà chúng tôi không thể kiểm đếm hết được. Lực lượng tù binh lớn nhưng đơn vị biết rằng họ đã chạy ra vùng giải phóng thì cứ chỉ cho họ cùng đồng bào đi ra hướng Phố Lố - hướng trung đoàn tôi tấn công. Ít phút sau máy bay ném bom thảm sát giữa cánh đồng phía sau đội hình mà trung đoàn tôi vừa qua. Bom phá, bom bi bao trùm lên biển người nên sự tổn thất của binh lính ngụy và đồng bào chạy loạn ra cùng với anh em là do máy bay ném bom của quân ngụy Sài Gòn. Cuộc thảm sát này do sự hiếu chiến của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng”.

Trung đội trưởng Nguyễn Văn Dậu

Sau đợt người dân chạy ra khỏi vùng chiến sự và bị địch từ trực thăng bắn, ta có chủ trương mở đường cho dân ra. Ông Nguyễn Văn Dậu, Trung đội trưởng an ninh vũ trang thị xã An Lộc từ năm 1968-1975, cho biết: “Người dân chạy về vùng tập kết Tân Khai. Chúng tôi có nhiệm vụ vận động nhân dân đưa về vùng giải phóng Lộc Ninh và Campuchia sống cặp bờ sông Măng. Một số người chạy về thành phố. Số còn lại chạy về vùng Sa Cát. Máy bay B52 của địch đến hủy diệt khu vực này, quân ta phải đưa dân từ Sa Cát về Ô vườn cam và Cà chay, Mi mốt. Chiến dịch Nguyễn Huệ kéo dài đến cuối năm 1972, phát triển và giữ vững nhịp độ tiến công liên tục. Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang địa phương là phối hợp với lực lượng chủ lực tác chiến; tích cực hoạt động quân sự, đánh phá đồn bốt và phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt ác, diệt tề, kêu gọi binh sĩ ra hàng... Sau Chiến dịch Nguyễn Huệ, chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ quan sát hoạt động của địch tại thị xã An Lộc, tập trung chủ yếu ở hướng Bắc và Đông. Lúc này, Quân khu 9 và Quân khu 5 đã rút, còn Quân khu 7 ở lại kết hợp với quân địa phương bao vây tiếp. Đến tối 22-3-1975, lực lượng địch tháo chạy khỏi Bình Long”.

Hồng Cúc
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Phòng VH-TT Bình Long)

  • Từ khóa
26688

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu