Thứ 5, 25/04/2024 18:42:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:00, 17/01/2019 GMT+7

Lộc Ninh nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào DTTS

Thứ 5, 17/01/2019 | 07:00:00 2,049 lượt xem

BP - Lộc Ninh có 4.987 hộ dân tộc thiểu số (DTTS), khoảng 16,8% số dân toàn huyện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người DTTS chiếm hơn 50% tổng hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện. Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của huyện Lộc Ninh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, do là huyện miền núi, biên giới thuần nông, thêm vào đó những năm gần đây nông sản chủ lực vừa mất mùa, mất giá do tác động của biến đổi khí hậu, đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở khu vực khó khăn nên tái nghèo cao. Tập trung mọi nguồn lực để giảm nghèo vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình giảm nghèo bền vững của Đảng bộ, chính quyền huyện Lộc Ninh giai đoạn 2018-2020...

KHÓ KHĂN GIẢM NGHÈO VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS 

Trong 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tốc độ giảm nghèo của huyện biên giới Lộc Ninh so với mục tiêu đề ra đạt kết quả tương đối tốt, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13,3%/năm. Cụ thể, đầu năm 2011, toàn huyện có 3.006 hộ nghèo, chiếm 10,64% tổng hộ dân, trong đó 1.099 hộ DTTS (chiếm 36,56%). Đến cuối năm 2015, toàn huyện còn 1.326 hộ nghèo, chiếm 4,48%, trong đó có 657 hộ DTTS. Như vậy, giai đoạn 2011-2015, nhờ thực hiện nhiều chính sách lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cùng với giá các loại nông sản chủ lực của huyện như cao su, hồ tiêu đạt đỉnh điểm nên huyện Lộc Ninh đã giảm 1.680 hộ nghèo, bình quân giảm 1,23%/năm. Tuy nhiên, từ những con số nêu trên cũng cho thấy, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS còn khiêm tốn.

Láng nhựa đường biên giới Lộc Tấn - Lộc Thạnh

Tháng 5-2016, kết quả điều tra hộ nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 1.969 hộ nghèo (tăng 643 hộ so đầu năm 2016), chiếm 6,4%, trong đó có 937 hộ DTTS, chiếm 47,58% tổng hộ nghèo toàn huyện; 497 hộ cận nghèo, chiếm 1,62% tổng số hộ toàn huyện. Năm 2018, toàn huyện còn 1.995 hộ nghèo, tăng 26 hộ so năm 2017, chiếm 6,69%, trong đó đồng bào DTTS là 1.012 hộ, chiếm 50,7%; 1.269 hộ cận nghèo, chiếm 4,26% tổng hộ toàn huyện, trong đó 645 hộ DTTS.

Theo giải trình của Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân tại kỳ họp HĐND huyện cuối năm 2018, tái nghèo cao một phần là do các mô hình giảm nghèo dễ áp dụng chưa được nhân rộng. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các dự án rất chậm... Đồng bào DTTS chưa thâm canh sản xuất tốt. Ngoài ra, ở các dự án định canh, định cư, cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo Quyết định 33, 1592 còn xảy ra tình trạng người dân cho thuê đất, sang nhượng trái phép nhưng xử lý gặp khó khăn vì chủ yếu là làm chui sau 3-4 năm mới phát hiện, người mua đã sản xuất ổn định, xây nhà kiên cố.

Năm 2016-2018, các nông sản chủ lực của huyện là hồ tiêu, cao su sau thời kỳ hoàng kim đã xuống chạm đáy. Mùa khô 2015-2016 xảy ra hạn hán lịch sử, nông sản mất mùa, rớt giá đã ảnh hưởng đến đời sống người dân trong huyện thuần nông cũng là nguyên nhân tái nghèo, tăng hộ nghèo, cận nghèo. Giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào S’tiêng gặp khó khăn do bà con sinh sống tập trung ở vùng sâu, xa, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ dân trí còn thấp, sản xuất lạc hậu, trong đó nhiều hộ ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước. 

NĂM 2020, GIẢM HỘ NGHÈO CÒN 4,5%

Tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2017 của huyện Lộc Ninh là 22 tỷ 887 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2018, kinh phí được cấp chỉ 4 tỷ 208 triệu đồng (giải ngân 4 tỷ 187 triệu đồng, đạt 99,5%); năm 2017 là 3 tỷ 449 triệu đồng (giải ngân 2 tỷ 950 triệu đồng, đạt 85,5%). Trong 2 năm 2016-2017, Lộc Ninh đã xây dựng 175 căn nhà cho hộ nghèo từ Quỹ “Vì người nghèo”, với tổng kinh phí 10 tỷ 91 triệu đồng.

Dự kiến tổng kinh phí chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 là 30 tỷ 530 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương cấp 15 tỷ 230 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 1,9 tỷ đồng, ngân sách huyện 11,9 tỷ đồng, vốn huy động Quỹ “Vì người nghèo” 1,5 tỷ đồng.

Nghị quyết giảm nghèo của Đảng bộ huyện Lộc Ninh phấn đấu năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,87-5,07%; năm 2020 giảm còn 4,5% (bình quân giảm 0,5-0,7%/năm). Riêng các xã tỷ lệ hộ nghèo trên 10% giảm ít nhất 4%/năm; hộ nghèo DTTS giảm 1,5-2%/năm, hạn chế tái nghèo.

Hiện nay, Lộc Ninh vẫn còn 4 xã tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS cao trên 10% gồm: Lộc Quang (18,11%), Lộc Phú (21,29%), Lộc Thành (12,53%) và Lộc Khánh (15,14%). Một nguyên nhân tăng là do hộ dân không có hoặc thiếu đất sản xuất do số gia đình trẻ tách hộ, cha mẹ không có đất để cho. Ở các xã Lộc Quang, Lộc Phú, hộ Việt kiều dân tộc Khơme sinh sống đa phần làm thuê, không có đất sản xuất.

Giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành về giảm nghèo, trong đó vai trò người lãnh đạo phải được phát huy. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phù hợp, gắn với việc làm tại chỗ, trong đó tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tạo việc làm cho lao động địa phương. Giảm tối đa tình trạng bỏ học của con em hộ nghèo, cận nghèo để nâng cao trình độ văn hóa, giúp các em có việc làm trong khu công nghiệp, doanh nghiệp. Tích cực tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, vốn ngân hàng chính sách xã hội và tăng cường vận động Quỹ “Vì người nghèo”, an sinh xã hội để tạo nguồn lực cho triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo... Gắn với xây dựng nông thôn mới để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các xã biên giới, DTTS. Nâng cao trình độ dân trí, tạo việc làm cho thanh niên, hộ gia đình trẻ là DTTS như làm công nhân ở các trang trại, khu công nghiệp trong và ngoài địa phương là giải pháp xóa nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS...

Đến năm 2020, Lộc Ninh phấn đấu cơ bản thực hiện bán kiên cố nhà ở từ 50-60% trở lên cho các hộ nghèo; đảm bảo 100% người nghèo được cấp bảo hiểm y tế và vận động hỗ trợ 30% mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân; phấn đấu 90-95% hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin; 70% hộ nghèo được tập huấn lồng ghép khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và phương thức làm ăn...

Phương Thảo

  • Từ khóa
1490

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu