Thứ 6, 29/03/2024 06:37:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:45, 19/04/2015 GMT+7

Lộc Ninh: Nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Chủ nhật, 19/04/2015 | 07:45:00 1,686 lượt xem

BP - Để lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), UBND huyện Lộc Ninh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến, thu hút sự tham gia của trên 150 người là thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo, hội đồng già làng, người có uy tín và lãnh đạo UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tại các xã, thị trấn, UBND cũng tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14-6-2005 trên cơ sở kế thừa pháp luật dân sự Việt Nam, thành tựu của Bộ luật Dân sự năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gồm 6 phần, chia thành 26 chương, 712 điều. Các quy định của dự thảo có nhiều nội dung đổi mới cơ bản cả về phạm vi điều chỉnh, chủ thể, quyền sở hữu, tài sản, giao dịch dân sự...

Nhìn chung, ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Lộc Ninh tập trung vào những nội dung như: Xác lập và bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân; giao dịch dân sự; hợp đồng vay tài sản…

Theo các ý kiến đóng góp, về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền (Điều 19), quy định tại khoản 2 của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Trong trường hợp này, tòa án căn cứ vào tập quán (Điều 11 dự thảo), nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng (Điều 12 dự thảo) để xem xét giải quyết. Với các quy định trên, đề nghị không quy định vấn đề này trong Bộ luật Dân sự. Vì ngoài những lý do đã được đề cập thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định về những tập quán nào được công nhận và áp dụng để giải quyết vụ, việc dân sự khi không có luật nội dung điều chỉnh, việc thiếu quy định về nội dung của những tập quán này gây khó khăn và thiếu thống nhất cho các tòa án trong quá trình áp dụng.

Thêm vào đó, hầu hết các quy định mới dừng lại ở việc chỉ ra trong trường hợp nào thì áp dụng tập quán và mới xác định thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán vào việc giải quyết các quan hệ phát sinh mà chưa có một văn bản nào xác định cụ thể những điều kiện để áp dụng tập quán. Việc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét giải quyết cũng không mang tính khoa học, phụ thuộc vào nhận thức, ý chí chủ quan của thẩm phán và hội thẩm nhân dân, không đảm bảo việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi có tranh chấp phát sinh.

Về quyền nhân thân (từ Điều 22 đến Điều 51 của Mục 2 Chương III), đa số các ý kiến nhất trí với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vì: Một trong những yêu cầu của việc sửa đổi Bộ luật Dân sự là để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Qua đó, thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Việc quy định đầy đủ các quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự còn là căn cứ pháp lý cho các luật khác, hoặc văn bản dưới luật nhằm bảo vệ, hiện thực hóa các quyền nhân thân của cá nhân.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định đầy đủ, chi tiết các quyền nhân thân như trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) còn tạo cơ sở pháp lý cho các cá nhân chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước (trong đó có tòa án nhân dân các cấp) bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của họ, khi mà quyền nhân thân bị xâm hại và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử những vụ, việc dân sự.

Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, có ý kiến không đồng ý với quy định tại Điều 443 Mục 7 Chương XV của dự thảo. Vì việc quy định tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là không phù hợp bản chất của họp đồng và khó áp dụng trên thực tiễn. Tòa án phải căn căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nào để điều chỉnh hợp đồng và điều chỉnh như thế nào mới là công bằng, bình đẳng. Bản chất của hợp đồng là sự tự nguyện, tự do ý chí và thỏa thuận. Vì vậy, việc điều chỉnh hợp đồng nên để các bên tự thỏa thuận quyết định. Nếu các bên không thỏa thuận được thì tùy từng trường hợp mà tòa án sẽ xem xét đến việc có tiếp tục thực hiện hợp đồng hay phải chấm dứt hợp đồng, mức độ lỗi và trách nhiệm bồi thường của các bên khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng…

L.N

  • Từ khóa
26515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu