Thứ 6, 29/03/2024 05:43:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:24, 03/01/2020 GMT+7

Liên kết hợp tác trong chăn nuôi, trồng trọt

Văn Đoàn
Thứ 6, 03/01/2020 | 10:24:00 413 lượt xem
BPO - Thời gian gần đây, việc phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông dân phát triển kinh tế. Nhiều mô hình liên kết chăn nuôi được hình thành, góp phần nâng giá trị ngành chăn nuôi tăng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Và mô hình tổ liên kết đoàn thanh niên - phụ nữ - nông dân hợp tác kinh doanh chăn nuôi dê, bò ở xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập phát triển theo xu hướng nêu trên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HỖ TRỢ NHAU PHÁT TRIỂN

Cách đây 2 năm, gia đình chị Vũ Thị Vân (thôn 3, xã Đa Kia) nuôi 3 con dê cái. Để mở rộng đàn, chị phải mượn dê đực để phối giống, vừa mất công lại tốn tiền, giống có lúc không đạt chất lượng. Từng là cán bộ công tác giảm nghèo của xã, nhận thấy những hạn chế của gia đình cũng như nhiều nông dân ở địa phương trong hoạt động chăn nuôi, chị Vân đã vận động một số hội viên nông dân, phụ nữ và thanh niên thành lập tổ liên kết hợp tác kinh doanh, chăn nuôi dê, bò để hỗ trợ giống, trao đổi kinh nghiệm. Vì thế, từ năm 2018 đến nay, khi tổ liên kết hoạt động, từ 3 con dê giống ban đầu, chị Vân đã phát triển và duy trì dần ổn định 13-15 con.

Ông Mai Văn Tĩnh có hơn 30 năm kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi. Với 1,5 ha đất trồng tiêu, điều, cà phê, kết hợp chăn nuôi dê, từ đầu năm đến nay ông đã xuất bán 23 con dê thịt; hằng năm ông thu lời hơn 230 triệu đồng. Là thành viên tổ liên kết, trong thời gian qua, ông đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mình với các thành viên.

Ông Mai Văn Tĩnh ở xã Đa Kia (Bù Gia Mập) tích cực truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt cho các thành viên tổ liên kết

“Hầu hết các thành viên trong tổ đều không có kinh nghiệm trong sản xuất từ khâu chọn, phối giống, chăm sóc đến đảm bảo đầu ra ổn định. Vì vậy, từ khi tham gia tổ hợp tác đến nay, rất nhiều thành viên đã đến gia đình tôi học tập kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Nhiều thành viên đã áp dụng thành công và đạt hiệu quả. Song song với hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm, các thành viên còn hỗ trợ nhau cây - con giống, liên kết đảm bảo đầu ra sản phẩm, không để thương lái ép giá...” - ông Tĩnh cho biết.

PHÁT HUY SỨC TRẺ, CẦN MẪN CỦA THANH NIÊN VÀ PHỤ NỮ

Là thanh niên năng nổ, nhiệt huyết nhưng anh Nguyễn Quang Tú (thôn Bình Thủy, xã Đa Kia) lại thiếu kinh nghiệm trong làm ăn, nhất là trong chăm sóc, chọn giống vật nuôi... Vì chưa có kinh nghiệm nên ban đầu anh chỉ nuôi 3 con dê cái. để phát triển đàn, anh phải mượn dê đực của hàng xóm về phối giống. Nhờ tham gia tổ liên kết, được tư vấn, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm từ các thành viên trong tổ, anh đã đầu tư phát triển, mở rộng và duy trì đàn ổn định từ 20-25 con. Từ đầu năm 2019 đến nay, anh đã xuất bán 12 con dê, đem lại thu nhập gần 40 triệu đồng. Tham gia tổ hợp tác liên kết đã đem lại nhiều kinh nghiệm, lợi ích, nhờ đó anh Tú đã phát huy tốt sức trẻ, tính năng động trong phát triển kinh tế gia đình.

Anh Tú chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các thành viên trong tổ, nhất là các cô chú có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi mà lứa thanh niên như chúng tôi đã trưởng thành, phát huy được sức trẻ. Bên cạnh đó, các thành viên là thanh niên cũng đã chủ động tìm kiếm đầu ra, quảng bá xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.

Chị Trần Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Kia, cho biết: Mô hình Tổ liên kết đoàn thanh niên - phụ nữ - nông dân hợp tác kinh doanh chăn nuôi dê, bò xã Đa Kia không chỉ giới hạn trong nuôi dê, bò hay trồng tiêu. Những giống cây trồng, vật nuôi mới, hiệu quả sẽ được các hội viên học hỏi, trao đổi qua lại. Qua đó, giúp các thành viên tổ phát huy kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, giúp các đoàn viên thanh niên, phụ nữ nông dân phát huy tính năng động, sáng tạo, cần mẫn trong lao động sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình hội viên.

Dù mô hình mới hoạt động được hơn năm nay nhưng tổ liên kết đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên. Đây là một mô hình hay và khá mới trong chăn nuôi, trồng trọt kết hợp giữa kinh nghiệm của nhà nông, sự năng nổ, nhiệt huyết của lực lượng thanh niên và sự siêng năng, cần mẫn của phụ nữ đã được người dân xã Đa Kia đưa vào hoạt động hiệu quả.

  • Từ khóa
45275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu