Thứ 3, 23/04/2024 13:50:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:36, 09/10/2019 GMT+7

Liên đoàn Lao động tỉnh lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thứ 4, 09/10/2019 | 10:36:00 1,447 lượt xem
BP - Sáng 8-10, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cùng đại diện các doanh nghiệp, công đoàn công ty, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18-6-2012, có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Sau 6 năm thực hiện, bộ luật đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Dự thảo lần này có 17 chương với 221 điều. Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Bù Đăng đóng góp ý kiến tại hội nghị

17 ý kiến tại hội nghị tập trung đóng góp vào nội dung của dự thảo bộ luật, như: Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với phụ nữ đang mang thai đến hạn hết hợp đồng lao động; mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm; tuổi nghỉ hưu; tiền lương; tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp ở khu công nghiệp; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; một số nội dung đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; thời gian nghỉ tết Nguyên đán và bổ sung nghỉ 1 ngày “Gia đình Việt Nam” 28-6...

Đóng góp về nội dung mở rộng khung thỏa thuận giờ làm việc thêm tối đa, đa số đại biểu thống nhất phương án 1 trong dự thảo là làm thêm giờ nhưng không quá 300 giờ/năm. Theo các đại biểu, quy định này sẽ hạn chế được tình trạng các doanh nghiệp gia công, chế biến hàng xuất khẩu vào những lúc cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật lao động hiện hành. Đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc và góp phần tái tạo sức làm việc của người lao động.

Về nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu (Điều 169), nhiều đại biểu cho rằng, nên giữ theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động, nhất là phù hợp với phụ nữ giảng dạy tại các cấp học và làm việc tại doanh nghiệp. Thống nhất phương án tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc ở các đơn vị hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý nhiều vấn đề liên quan đến đình công, quản lý nhà nước về lao động, xử phạt vi phạm pháp luật về lao động...

Các ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại hội nghị được Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổng hợp và đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động đảm bảo quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, người lao động theo đúng nguyên tắc, yêu cầu đề ra trong thời kỳ mới.

Thanh Mảng

  • Từ khóa
9987

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu