Thứ 3, 19/03/2024 16:07:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:38, 19/11/2019 GMT+7

Lệch chuẩn văn hóa ở giới trẻ

Thứ 3, 19/11/2019 | 08:38:00 540 lượt xem
BP - Chúng ta đều nhất trí với nhau rằng, tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, là tương lai của nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lệch chuẩn văn hóa ở giới trẻ Việt Nam đang là một vấn đề xã hội không thể coi thường.

Một hiện tượng không bình thường

Thời gian gần đây, giới trẻ Việt Nam - tuy không phải là tất cả - trong đó có cả những học sinh đang “phát điên, phát cuồng” vì những tài khoản facebook, YouTube mang tên “Khá bảnh” và hàng chục nhân vật “anh em cùng hội, cùng thuyền” như “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền, “Phú Lê”, “Ngân trọc” cùng những cái tên như Dung T, Yến X, Đào C cũng đang “nở rộ như nấm mọc sau mưa”.

Kịch bản chung của các video/clip nhảm nhí, dung tục được các tài khoản nêu trên đăng tải là hình ảnh các nhân vật “giang hồ mạng” ngồi livestream cởi trần khoe rồng phượng, đại bàng xăm kín mình, cảnh ăn nhậu, bia bọt, chửi bậy, phát ngôn xấc xược, cầm vũ khí đi “thanh toán” lẫn nhau. Thậm chí, chủ nhân nhiều tài khoản còn công khai việc mình cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê... lên mạng xã hội. Những video/clip kiểu như “Khánh Sky tuyên bố Hiệp đen tuy rồng thật nhưng xuống đất cũng phải sợ”; “Bình trọc xử lý thanh niên chửi mình là giang hồ”; hay “Quang Rambo lệnh cho Công trọc hủy thằng Trường con”... thu hút hàng triệu lượt xem. Ăn theo sức hút của các “nhân vật giang hồ” đó, xuất hiện nhiều kênh như “B Channel”, “Giang hồ”, “Sống ảo”, “Trùm giang hồ”... làm clip reup (copy và chỉnh sửa lại) từ clip của các “nhân vật giang hồ” để kiếm tiền từ mạng xã hội.

Vậy các “nhân vật giang hồ” đó là ai và có “thành tích” gì ghê gớm mà “nổi tiếng” đến thế? Xin thưa “thành tích” hao hao giống nhau của các “nhân vật giang hồ” nêu trên chính là quá khứ bất hảo: đánh nhau, phá gia chi tử, quậy làng phá xóm đến mức gia đình, nhà trường, xã hội phải “chào thua”. Ví dụ như “Khá bảnh” - tên thật Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Theo “Khá bảnh” kể thì cậu ta học hành chẳng đâu vào đâu, năm 17 tuổi phải đi trại giáo dưỡng vì tội hành hung, cố ý gây thương tích cho người khác. “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền - nhân vật “giang hồ mạng” cũng đến từ Bắc Ninh, “nổi tiếng” là liều lĩnh, thường xuyên khoe các video/clip chửi bới trên mạng xã hội và “thành tích” ra tù vào tội của mình...

“Nổi tiếng” với những video/clip, “Khá bảnh” tự cho rằng mình là “giang hồ mạng với chất sống nghĩa khí, quân tử”. Kênh YouTube của anh này có lúc tới gần 2 triệu lượt theo dõi, tài khoản facebook cá nhân có 600.000 người thích. Vì vậy, những hành vi ngông cuồng, thách thức pháp luật của anh này có sức “ảnh hưởng” đến giới trẻ trên mạng xã hội.

Sự nguy hiểm khôn lường

Mục đích của các hiện tượng “giang hồ mạng” như đã nêu chính là lợi dụng tâm lý “anh hùng rơm”, hiếu thắng, thích thể hiện mình, cùng nhận thức non nớt, tư duy thị hiếu tầm thường của một bộ phận giới trẻ hiện nay để trục lợi, kiếm tiền. Bằng cách tung các video/clip phản cảm, sặc mùi xã hội đen để “câu like”, những đối tượng này được các trang mạng xã hội trả tiền cho việc đăng quảng cáo, số lượt “like” càng nhiều đồng nghĩa với số tiền “chảy” vào túi họ càng lớn. Khi đã có đông khán giả “trung thành” như “Khá bảnh” có gần 2 triệu “fan”, “Phú Lê” với hơn 955.000 “fan”, Dương Minh Tuyền với gần 426.000 “fan”, “Ngân trọc” gần 160.000 “fan”, các tài khoản này sẽ trở thành “đối tác làm ăn” của những kẻ kiếm tiền từ mạng xã hội. Chúng sẽ “bắt tay hợp tác” sản xuất các kịch bản, video/clip với tiêu chí “độc - lạ - sốc - láo” để phục vụ nhóm người tò mò, thị hiếu tầm thường nhằm kiếm tiền. Với hàng triệu lượt người theo dõi, thì mỗi tháng “Khá bảnh” cũng thu về hàng trăm triệu đồng từ mạng xã hội, quảng cáo, bán hàng online cho các đối tượng khác.

Điều đáng nói là những nội dung đăng tải trên mạng đó đã đánh trúng tâm lý của một số bạn trẻ hiện nay - “anh hùng rơm”, thích thể hiện mình, ham chơi, lười làm nhưng muốn tiền bạc rủng rỉnh, xe hơi đời mới và đàn em vây quanh cung phụng. Chẳng thế mà, cứ mỗi lần đăng video/clip chửi bới, đi xe hơi, ngồi đếm tiền, “Khá bảnh” lại nhận được những lời tán dương trơ trẽn như “Bảnh chất quá”, “Bảnh ngầu quá”, “Bảnh của tao”. Thậm chí, khi xuất hiện tại một trường THPT ở thành phố Yên Bái,  “Khá bảnh” còn được hàng trăm học sinh và người lớn đón tiếp vây quanh xin chụp hình, xin chữ ký như một ngôi sao màn bạc... Thật đáng buồn khi một kẻ đời tư bất hảo, phát ngôn ngông cuồng trên mạng xã hội, vi phạm pháp luật bị rơi vào vòng lao lý nhưng lại được chào đón như một anh hùng.

Hiện tượng nêu trên nguy hiểm ở chỗ nào? Xin thưa, tính chất nguy hại khôn lường của nó là ở chỗ đã thực hiện đúng công thức “giới trẻ - mạng xã hội - tiền bạc” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Các thế lực thù địch đã và đang ra sức lôi kéo, dụ dỗ thế hệ trẻ Việt Nam - một thế hệ sinh ra trong hòa bình, lớn lên khi đất nước trở mình đổi mới thành công, không cảm nhận hết những giá trị lớn lao của độc lập, tự do nên rất dễ quên mất những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội; quên đi xương máu của cha ông đã ngã xuống trước đây. Giới trẻ hiện nay có “cái nhìn” thoáng hơn về chính trị, về ý thức hệ, cho rằng đấu tranh một mất một còn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là cái gì đó xa vời, không thực tế. Với giới trẻ, một là bạn, hai là đối thủ mà không bao giờ có quan niệm địch - ta, bạn - thù. Đây là sự trống rỗng về nhận thức, lý tưởng mà các thế lực thù địch, phản động triệt để khai thác để làm lực lượng chủ công thay đổi chế độ ở Việt Nam sau này.

Vậy còn mạng xã hội? Trong thời đại phát triển như vũ bão hiện nay của khoa học, công nghệ thì mạng xã hội được coi là chiến trường chính, là phương tiện chủ yếu để các thế lực thù địch, phản động sử dụng tập hợp lực lượng hòng lật đổ chính quyền Việt Nam như chúng từng làm ở các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi trước đây. Chính các nhà tư bản phương Tây đã tổng kết rằng: 1 đôla chi cho tuyên truyền có sức mạnh bằng 5 đôla chi cho vũ khí. Điều đó cho thấy, các mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài đang phục vụ mục đích chính trị đen tối của thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.

Thật đau lòng, ai cũng biết rõ quá khứ bất hảo của “Khá bảnh” và các “giang hồ mạng”, nhưng rất ít bạn trẻ thừa nhận việc coi hành vi hâm mộ “Khá bảnh” là lệch lạc tư tưởng, thậm chí còn cho rằng thần tượng ai là quyền riêng tư của mỗi người. Luật An ninh mạng đã được ban hành, rất mong các cơ quan chức năng thực thi nghiêm minh, mạnh tay để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lệch chuẩn văn hóa ở giới trẻ hiện nay.

Thanh Quang

  • Từ khóa
2877

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu