Thứ 5, 25/04/2024 20:05:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:48, 26/09/2019 GMT+7

Lập lại trật tự trên sông Đồng Nai

Thứ 5, 26/09/2019 | 09:48:00 162 lượt xem
BP - Trung tuần tháng 9 vừa qua, cơ quan chức năng của 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai đã thống nhất chủ trương cấp phép khai thác cát trở lại trên sông Đồng Nai. Đây là tín hiệu vui không chỉ đối với việc đảm bảo nguồn cung về vật liệu xây dựng trên địa bàn, mà còn góp phần ngăn chặn nạn cát tặc...

Sông Đồng Nai có diện tích lưu vực 42.600km2. Ngoài những công trình hiện hữu như 5 nhà máy thủy điện, các cảng ở Bình Dương, Đồng Nai; hồ thủy lợi, thủy điện, hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên..., sông Đồng Nai còn có trữ lượng cát rất lớn, phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác cát lậu diễn biến phức tạp đã làm biến đổi dòng chảy, tác động tiêu cực đến môi sinh và nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt... Đặc biệt, tình trạng cát tặc bùng phát tràn lan là nguyên nhân gây ra các sự cố sạt lở đất, cuốn trôi vườn tược, nhà cửa... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân hai bên bờ sông. Trước thực trạng này, cuối tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong cả nước và các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai nói riêng tăng cường công tác xử lý nạn cát tặc.

Sông Đồng Nai chảy qua Bình Phước dài khoảng 20km thuộc huyện Bù Đăng, đây cũng đoạn giáp ranh với huyện Cát Tiên (Lâm Đồng). Trên khúc sông này trước đây có 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, trong đó tỉnh Lâm Đồng cấp cho 4 đơn vị, còn Bình Phước chỉ có 1. Tuy nhiên, tình trạng cát tặc tại khu vực này diễn ra rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy đe dọa đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống cát tặc, Bình Phước đã tổ chức truy quét xử lý các đối tượng vi phạm, đồng thời tạm dừng việc gia hạn khai thác và cấp mới giấy phép. Qua đấu tranh truy quét, Bình Phước phát hiện 15 vụ việc khai thác cát trái phép, tạm giữ 14 tàu khai thác, tịch thu hơn 430m3 cát lậu, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng... Việc truy quét cát tặc và tạm dừng cấp mới giấy phép khai thác cát vô hình trung đẩy giá cát xây dựng tăng cao vì thiếu hụt nguồn cung. Tại thành phố Đồng Xoài, trước năm 2017 cát xây dựng từ sông Đồng Nai chuyển về (Cát Tiên) chỉ có giá 240 ngàn đồng/m3. Thế nhưng, sau khi 2 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng tạm dừng khai thác... thì giá cát tại Đồng Xoài có thời điểm tăng lên đến 600 ngàn đồng/m3.

Qua đó cho thấy, nếu kéo dài thời gian dừng cấp phép không chỉ gây ra sự khan hiếm về cát xây dựng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như các công trình trọng điểm bị đình trệ, đội giá thành vì chi phí vật liệu tăng cao... Vì vậy, với phương án mỗi tỉnh chỉ cấp mới 2 giấy phép khai thác cát, mỗi giấy phép có thời hạn không quá 5 năm và công suất không quá 10.000m3/năm, vị trí cấp phép phải đảm bảo không gây sạt lở, xa khu dân cư và cấm khai thác vào ban đêm... là giải pháp tích cực trong việc lập lại trật tự khai thác cát trên sông Đồng Nai. Ngoài ra, cơ quan chức năng của 3 tỉnh cũng thống nhất việc siết chặt các biện pháp quản lý, quy chế phối hợp khi truy bắt các đối tượng sai phạm...; đồng thời, giải quyết tận gốc nạn cát tặc và bảo vệ tốt môi trường sinh thái trên sông Đồng Nai hiện nay.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109196

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu