Thứ 7, 20/04/2024 02:48:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:14, 19/05/2020 GMT+7

KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2020)

Làng Chăm ơn Bác

Đức Hòa
Thứ 3, 19/05/2020 | 08:14:00 1,027 lượt xem
BPO - Nghệ sĩ ưu tú A Mư Nhân (ảnh) được xem là nhạc sĩ dùng chất liệu dân ca của đồng bào Chăm thành công nhất vào trong các sáng tác của mình. Ngoài sáng tác, A Mư Nhân còn là ca sĩ vừa chơi đàn vừa hát trong nhóm Nhạc dân tộc Bách Việt quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh vào những năm 90 của thế kỷ trước. A Mư Nhân cũng từng là khách mời trong chương trình Dấu ấn tài hoa của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.

“Từ làng Chăm xa xôi nay con về thăm quê Bác. Nghe trong lòng bao thương nhớ. Ôi mang nặng tình Bác trong tim...” (Làng Chăm ơn Bác). Ca khúc này đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ A Mư Nhân, khi ông đến với con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ A Mư Nhân, tên thật là Lộ Minh Nóc, dân tộc Chăm. Ông Mư Nhân sinh năm 1952, tại Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, sau đó hoạt động tự do với vai trò nhạc sĩ kiêm ca sĩ, được mời đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước.

Cộng đồng dân tộc Chăm ở Bình Phước hiện có 639 người, sinh sống trên địa bàn 2 huyện Phú Riềng và Đồng Phú. Nhiều năm qua, đồng bào Chăm ở Bình Phước luôn tự hào về nhạc phẩm Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ A Mư Nhân. Những ca từ của Làng Chăm ơn Bác luôn được cất lên trong các lễ hội lớn và ngày tết của đồng bào Chăm ở Bình Phước.

Ca khúc Làng Chăm ơn Bác được nhạc sĩ A Mư Nhân sáng tác để tham gia hội diễn Tiếng hát Làng Sen toàn quốc lần thứ nhất năm 1985, tổ chức tại Nghệ An. Tại hội diễn, ca khúc do chính ông trình bày và đã đoạt huy chương vàng. Những năm sau đó, ca khúc Làng Chăm ơn Bác đã lan tỏa khắp cả nước, được nhiều ca sĩ tên tuổi chọn thể hiện, qua những chương trình ca nhạc hát về Người với quy mô lớn. Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam nhận thấy đây là ca khúc có tầm nên đã mời A Mư Nhân ra Hà Nội, thu âm, ghi hình để phục vụ đông đảo công chúng cả nước.

Làng Chăm ơn Bác được giới chuyên môn đánh giá rất cao bởi nhiều yếu tố. Giai điệu bài hát mang đậm âm hưởng dân ca Chăm, kết hợp khéo léo với phong cách âm nhạc hiện đại, đoạn đầu tính tự sự thành kính, đoạn sau trỗi lên phẩm chất anh hùng ca trong sáng, linh hoạt. Về hình tượng âm nhạc ở 2 đoạn tương phản khá rõ nét, vừa mang tình yêu thiêng liêng lãnh tụ ca, vừa có tính dân tộc dâng trào mạnh mẽ. Phần ca từ mộc mạc thiên về niềm cảm xúc nhiều hơn là sự sắp xếp kiểu mỹ từ. Chính vì những yếu tố này đã giúp Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ A Mư Nhân trở thành một tuyệt phẩm và đi vào lòng người cùng năm tháng.

Sau này, khi có được vị trí trong sự nghiệp, A Mư Nhân đã liên tục có những sáng tác mới, được công chúng mến mộ như: Mùa xuân đất tháp, Điệu ru đất tháp, Ngày hội Kate, Bến nước tình yêu... Được các hãng băng, đĩa phát hành 3 album riêng, đó là Điệu ru đất tháp, Bhum palei và Miền đất tháp. Hầu hết ca khúc do nhạc sĩ A Mư Nhân sáng tác đều mang âm hưởng dân ca Chăm, giai điệu giàu cảm xúc, ca từ chắt lọc, gần gũi, tính cộng đồng cao.

Ngoài huy chương vàng cho ca khúc Làng Chăm ơn Bác, nhạc sĩ A Mư Nhân còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý khác, như ca khúc Hò ra khơi đoạt giải nhất do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng; Mùa xuân đất tháp và Điệu ru đất tháp đạt huy chương vàng Hội diễn văn nghệ quần chúng tại thành phố Nha Trang cùng nhiều giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam...

Nhạc sĩ A Mư Nhân cho hay, ông hoạt động âm nhạc từ khá sớm. Khi mới vào nghề, ông đã cùng một số bạn bè yêu nhạc thành lập nhóm Đồng Xanh, đi biểu diễn phục vụ cộng đồng dân tộc Chăm ở Ninh Thuận. Sau đó, ông về công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện Ninh Phước. Mư Nhân có cơ hội đi nhiều nên đã tích cực sưu tầm khá nhiều làn điệu dân ca Chăm làm tư liệu cho việc sáng tác sau này. Với những đóng góp vào lĩnh vực âm nhạc cũng như phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương, nhạc sĩ A Mư Nhân đã được tặng Huy chương Chiến sĩ văn hóa năm 1984 và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2001.

Có thể khẳng định, A Mư Nhân xứng đáng là nhạc sĩ tiêu biểu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người có công lớn khi đưa chất liệu âm nhạc dân tộc Chăm vào các sáng tác, làm phong phú thêm cho nền âm nhạc nước nhà trong thời kỳ mới, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đi qua chặng đường hoạt động âm nhạc đầy sôi động thời sung sức, giờ đây nhạc sĩ A Mư Nhân vẫn chuyên tâm công việc của người nhạc sĩ, tiếp tục sáng tác, để mong đóng góp cho người, cho đời những giai điệu thắm tình đất nước quê hương.

  • Từ khóa
94269

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu