Thứ 5, 25/04/2024 23:10:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:23, 04/07/2019 GMT+7

Lan tỏa học và làm theo Bác trong cán bộ DTTS

Thứ 5, 04/07/2019 | 06:23:00 844 lượt xem
BP - Nhiều năm qua, học tập và làm theo Bác đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình với những phần việc thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt có nhiều gương cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) ở cơ sở.

cán bộ phải luôn gần dân

Thấm nhuần tư tưởng của Bác “lấy dân làm gốc”, gần dân để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, trong nhiều năm qua, Chủ tịch UBMTTQVN xã Lộc Khánh (Lộc Ninh), Bí thư Chi bộ ấp Sóc Lớn Lâm Mây luôn gần gũi và quan tâm người dân địa phương.

Ấp Sóc Lớn là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Khơme, với 338 hộ, gần 1.200 người, trong đó hơn 90% số dân là người Khơme. Đồng thời, nơi đây cũng là cái nôi văn hóa của người Khơme trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc như: lễ hội xuống đồng, lễ SenDolta, Phật đản, tết Chôl Chnăm Thmây...

Ông Điểu Kem trên mảnh đất gia đình hiến tặng để xây dựng trường học, nhà văn hóa, sân bóng chuyền… phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi của người dân địa bàn

Trước đây, người dân ấp Sóc Lớn trình độ dân trí còn hạn chế và phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Bản thân là người Khơme, lại là cán bộ xã, vì vậy, ông Lâm Mây rất trăn trở làm sao để giúp bà con cải thiện cuộc sống, xóa bỏ các phong tục lạc hậu. Với sự kiên trì, nỗ lực trong thời gian dài, việc tuyên truyền, vận động của ông Lâm Mây dần dần được bà con hiểu, tin tưởng và làm theo. Để đạt kết quả này, ông luôn đi đầu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Nhờ vậy, từ canh tác cây lúa một vụ theo phương thức lạc hậu, năng suất thấp, nay người dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ; các hủ tục cơ bản đã xóa bỏ; trẻ em được học hành, đời sống đồng bào ngày một nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, ông Lâm Mây được bà con tôn trọng và quý mến. Ông chia sẻ: “Để bà con hiểu và nghe theo mình, trước tiên phải gần gũi với bà con và đi đầu, noi gương trong các hoạt động. Khi bà con đã hiểu, đã thông thì họ luôn nghe mình nói và đồng tình tham gia hưởng ứng cao. Như Bác Hồ đã dạy, làm việc gì cũng phải lấy dân làm gốc, vì lợi ích nhân dân, có như vậy mọi việc mới được dân ủng hộ và thành công”.

Là đảng viên phải gương mẫu

Khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến (Bình Long) có 162 hộ dân với 713 người, trong đó 95% là đồng bào DTTS. Kinh tế người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Năm 2008, anh Điểu Sơn (1979) là đảng viên trẻ được bà con bầu làm Trưởng ban điều hành khu phố. Với vai trò trách nhiệm, anh lắng nghe ý kiến và từng bước vận động người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, dần xóa bỏ các hủ tục. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân nơi đây đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Năm 2014, khu phố có 25 hộ nghèo thì nay chỉ còn 12 hộ nghèo và cận nghèo. Anh Điểu Sơn chia sẻ: “Sau nhiều năm làm tuyên truyền vận động ở cơ sở, tôi thấy cán bộ ở cơ sở cần kiên trì, nhẫn nại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân. Từ đó phân tích rồi giải thích cho bà con hiểu, đồng thời mình cũng phải gương mẫu thực hiện như thế, bà con mới tin tưởng và làm theo”.

Không chỉ làm tốt tuyên truyền vận đông, 10 năm qua, từ khi làm Trưởng ban điều hành khu phố, anh Điểu Sơn đã phối hợp cấp ủy, ban điều hành khu phố vận động xây dựng 16 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo. Anh bỏ tiền túi ủng hộ hơn 20 triệu đồng và hơn 250 ngày công lao động phụ người dân xây nhà. Anh Sơn còn cho các hộ khó khăn vay tiền không tính lãi; hiến đất vườn của gia đình để làm đường nông thôn mới; hỗ trợ thanh niên khu phố liên hệ các nông trường, công ty trên địa bàn tạo việc làm với thu nhập ổn định.

Quan tâm, chăm lo thế hệ trẻ

Với hơn 23 năm làm Trưởng thôn Bù Ka 2, xã Long Hà (Phú Riềng), ông Điểu Kem luôn quan tâm và đặt tâm huyết vào thế hệ trẻ ở địa bàn. Ông Điểu Kem cho rằng, trong cuộc sống hiện nay để thế hệ trẻ không sa vào các tệ nạn xã hội thì cần phải tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên. Vì vậy, ông đã hiến hơn 1 ha đất sát bên nhà, với mặt tiền rộng hơn 30m để xây Trường tiểu học Long Hà C, làm nhà văn hóa, sân bóng chuyền, sân bóng đá… Thấy sân bóng mặt bằng gồ ghề, ông đã vận động một số hộ có điều kiện và bản thân ông đóng góp thêm hơn 20 triệu đồng để đổ bê tông sân. Đồng thời, đây cũng là nơi thôn tổ chức các ngày lễ hoặc bà con làm tiệc cưới hỏi.

“Nhiều năm làm trưởng thôn, tôi thấy nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của bà con, đặc biệt là thanh niên rất cao nhưng lại không có điều kiện. Nếu có sân chơi lành mạnh sẽ giúp thế hệ trẻ tránh xa tệ nạn xã hội. Vì vậy, tôi đã hiến đất, vận động và đóng góp thêm tiền để đầu tư cho mọi người có sân chơi bóng” - ông Điểu Kem nói.  

Ông Điểu Kem là một trong những điển hình học tập và làm theo Bác. Nhiều năm qua, ông đã đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tại thôn Bù Ka 2, được mọi người tin yêu, quý trọng.

Bảo Anh

  • Từ khóa
2279

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu