Thứ 5, 28/03/2024 23:31:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:40, 06/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Làm gì để chống tham nhũng có hiệu quả?

Thứ 6, 06/02/2015 | 10:40:00 1,818 lượt xem
BP - Theo số liệu thống kê của Thanh tra Chính phủ, năm 2014, tổng số tiền ước tính thu hồi được từ các vụ việc tham nhũng là 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng bị thiệt hại. Các cơ quan tố tụng cũng đã phát hiện, khởi tố mới 256 vụ, với 593 bị can tham nhũng, trong đó đã hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 287 vụ tham nhũng và kết tội gần 700 tội phạm tham nhũng.

Cũng trong năm 2014, với việc đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các đại án kinh tế tham ô tham nhũng lớn như Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hào, Nguyễn Hữu Mãnh, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên... đã cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đang ngày càng quyết liệt, hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, nạn tham nhũng vẫn chưa bị chặn đứng mà len lỏi, âm ỉ hoạt động dưới những hình thức tinh vi. Những kiểu “tham nhũng đúng luật” như ưu ái cung cấp hồ sơ, tiết lộ bí mật về chính sách... qua đó nhận tiền “bồi dưỡng”, tiền “cộng tác viên”, chi phí “cố vấn”. Hoặc là việc sách nhiễu, gây khó dễ trong thủ tục hành chính để nhận tiền “bôi trơn”, tiền lót tay...

Có nhiều nguyên nhân khiến việc tham nhũng chưa thể chặn đứng, nhưng có một nguyên nhân cốt lõi là lương hệ thống cán bộ, công chức, viên chức, đối tượng có chức quyền thực hiện hành vi tham nhũng, lại chưa cao. Hiện cán bộ, công chức, viên chức đang được trả một mức lương cực kỳ khiêm tốn. Lương công chức trẻ mới vào làm việc, có cả những cán bộ trẻ du học nước ngoài bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ và cả cán bộ công tác 15 năm được nhận mức lương tương đương hệ số 2,34-3,99. Tiền lương hết tập sự của người tốt nghiệp đại học mới đạt 3,36 triệu đồng/tháng và khó khăn lắm mới đủ nuôi sống bản thân. Vì vậy, công chức phải sống dựa vào nhiều nguồn thu nhập không chính thức. Thu nhập này không nhất thiết là bất hợp pháp, song lại làm phân tán công việc và nghĩa vụ chính, giảm hiệu quả công tác của công chức... Chính vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, để phòng chống tham nhũng, ngăn tham nhũng từ gốc, phải tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đủ để họ đảm bảo cuộc sống. Đây là bước “ngăn chặn từ xa” đối với nạn tham nhũng.

Tuy nhiên, lương thấp chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến tham nhũng không dập được. Cùng với việc tăng lương cho cán bộ, công chức, muốn chống tham nhũng triệt để còn cần tới rất nhiều biện pháp mạnh khác. Điều này cũng có nghĩa là tăng lương cho công chức, nhưng kèm theo đó là những liều thuốc đặc trị căn bệnh tham nhũng, đó là: Thứ nhất, phải thực hiện việc tinh giản biên chế thừa. Thứ hai, phải tiến hành công khai, minh bạch kê khai và xác định rõ nguồn gốc tài sản của công chức. Thứ ba, chặt đứt cơ hội tham nhũng bằng việc công khai, minh bạch, chặt chẽ trong cơ chế thuế khóa, chấm dứt các cơ chế đặc quyền... Thứ tư, tăng giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân đối với hệ thống công quyền. Thứ năm, liên tục thuyên chuyển cán bộ công chức ở những vị trí dễ nhận hối lộ, dễ cấu kết với đồng nghiệp để vòi vĩnh. Thứ sáu, tham nhũng của công chức xuất phát từ hám lợi nên cần tăng cường chế tài xử lý tham nhũng thật nặng.

Chừng nào những giải pháp trên được thực hiện đồng bộ cùng với những chế tài nghiêm khắc thì khi đó công cuộc phòng chống tham nhũng mới thực sự mang lại kết quả cao.    

Như Nhất

  • Từ khóa
12562

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu