Thứ 6, 29/03/2024 03:36:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:41, 14/10/2016 GMT+7

Xây dựng “lá chắn” vững chắc trước thế lực thù địch

Thứ 6, 14/10/2016 | 14:41:00 761 lượt xem

BP - Những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã được Đảng và Nhà nước ta lường trước trước khi bắt đầu công cuộc đổi mới và mở cửa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chúng ta vẫn chưa có giải pháp tốt nhất để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực ấy. Điều đó dẫn tới “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chưa hết, cơ chế thị trường còn góp phần làm trỗi dậy chủ nghĩa cá nhân. Và đây là một “hiểm họa” đối với sự sống còn của Đảng, của đất nước.

PHÂN BIệt RÕ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN VÀ LỢI ÍCH CÁ NHÂN

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN.2000, tập 10, tr.306).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của căn bệnh làm hư hỏng cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân... Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết trên trán mình hai chữ “cộng sản” là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN.2000, tập 5, tr.238-239).

Cũng phải nói rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh phân biệt rạch ròi chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân. Người cho rằng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình. Nếu lợi ích cá nhân không trái với lợi ích tập thể thì không có gì xấu. Ví dụ như chăm chỉ lao động để làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội được nhiều hơn chắc chắn không phải là xấu. Hơn nữa, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng tới những lợi ích cá nhân chính đáng của người lao động, trước hết là lợi ích vật chất và xem đó là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chủ nghĩa cá nhân là đề cao quyền và lợi ích của cá nhân trong xã hội mà bất chấp lợi ích của người khác, bất chấp lợi ích của cộng đồng, bắt lợi ích tập thể phải phục tùng lợi ích cá nhân. Sự cám dỗ vật chất khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên đã không gắn lợi ích của mình với lợi ích tập thể và lợi ích của nhân dân lao động. Họ sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của tập thể để thu vén cá nhân, thậm chí lợi dụng kẽ hở trong các quy định, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, thậm chí phạm tội ác để tham ô, tham nhũng. Vì chủ nghĩa cá nhân mà họ không còn lòng tự trọng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra “Họ không quan tâm đến đời sống nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích riêng của mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, bát gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó sinh ra phô trương lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô truỵ lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm đó đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN.1996, tập 11, tr.374)

NHỮNG PHẨM CHẤT NHÂN DÂN MONG ĐỢI

Thực tiễn cho thấy, cuộc sống đang đòi hỏi phải làm trong sạch Đảng, bộ máy chính quyền các cấp và làm lành mạnh đời sống đạo đức xã hội, phải thực hiện như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định trong đoạn kết bài viết “Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử và tương lai”, đăng trên Báo Nhân dân ngày 31-8-2016: “Không có cách nào khác, trước sự tồn vong của Đảng, của đất nước, với sự ủng hộ của hơn 90 triệu nhân dân, trách nhiệm với lịch sử và tương lai đang đè nặng lên vai những người được tin tưởng nắm giữ vai trò chèo lái; phải lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân bằng cách hành động, bằng tính tiên phong đã được chứng minh trong thực tiễn đấu tranh. Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi. Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.

Những điều nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định thật chính xác và sâu sắc. Đây chính là mệnh lệnh của dân tộc, của toàn xã hội đối với Đảng, với mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi đảng viên trước lịch sử và tương lai của đất nước. Nếu ngược lại, chúng ta đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch tuyên truyền, vận động, khuyến khích lối sống thực dụng và chủ nghĩa cá nhân. Và đây vừa là âm mưu thâm độc, vừa là “khâu đột phá” để chúng tiến hành “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, không phải chỉ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mà toàn xã hội phải luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng cho mình và cho xã hội một tấm “lá chắn” vững chắc trước mọi thế lực thù địch.

Trần Phương

  • Từ khóa
2524

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu