Thứ 6, 29/03/2024 17:24:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:41, 27/07/2020 GMT+7

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-1947 - 27-7-2020

Ký ức không quên của người lính già

Kim Yến
Thứ 2, 27/07/2020 | 06:41:00 234 lượt xem
BPO - Đã 80 tuổi nhưng người thương binh 4/4 Lý Quốc Trung (xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài) vẫn toát lên năng lượng tích cực bởi tinh thần lạc quan và nụ cười hồn hậu, đặc biệt là vẫn hăng say lao động. Thậm chí có người kể lại, ông vẫn còn sức để cuốc 800 gốc điều mà không biết mệt mỏi. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, may mắn trở về cuộc sống đời thường, dù sức khỏe giảm sút, thính giác bị ảnh hưởng đáng kể bởi những vết thương ở tai nhưng ông vẫn tiếp tục viết cho mình những trang đời đẹp trên quê hương Bình Phước.

Nhập ngũ từ năm 1959, khi ấy người lính trẻ đã gạt bỏ những ước mơ riêng tư vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng như lớp lớp thanh niên cùng trang lứa. Ông Lý Quốc Trung, hay tên gọi thân thuộc hằng ngày là ông Năm đã từng là Đội phó bảo vệ an ninh Trung ương Cục miền Nam; Phó bí thư Chi bộ, Trưởng trạm đội 50 thuộc C48 chiến trường miền Tây Nam bộ, phụ trách công tác địa bàn của đội bảo vệ tiểu ban điệp báo giai đoạn 1970-1972. Đây cũng là giai đoạn ông Năm đối mặt giữa sự sống và cái chết với lằn ranh rất mong manh.

Người thương binh 4/4 Lý Quốc Trung vẫn hăng say lao động ở tuổi 80

Chiến tranh cũng đã lùi xa 45 năm. Ông Năm cũng đã tròn 80 tuổi. Nhưng người cựu chiến binh từng hiên ngang trước quân thù khi ngồi ôn lại chuyện xưa vẫn không khỏi chạnh lòng, rưng rưng nước mắt mỗi khi nhắc đến đồng đội. Ông nhớ lại, khi đối mặt với lằn ranh sinh tử, cái chết không đáng sợ bằng nhìn đồng đội của mình từng người một ngã xuống tại chiến trường một cách đau đớn, khốc liệt. Ông Năm cho rằng, mình may mắn hơn bao đồng đội khi được chứng kiến đất nước đổi mới, được hưởng thành quả cách mạng mà mình và bao đồng chí, đồng đội đã đánh đổi bằng cả máu xương. Ông Năm chia sẻ: “ Khi tham gia cách mạng mình không có suy nghĩ sợ chết mà chỉ nghĩ là đi công tác là để phục vụ Đảng, Nhà nước, làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm của một thanh niên. Sống thì làm tiếp, chết cũng là vì Tổ quốc mình”.

Suốt thời gian tham gia kháng chiến, ông Năm chưa từng nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Bởi ông xác định mình có thể “ ra đi” bất cứ lúc nào nên không muốn người phụ nữ nào khổ vì mình. Đến người thân ông cũng không báo tin tức.

 Ông Lý Quốc Trung tràn ngập niềm hạnh phúc bên vợ và con cháu

Sau 13 năm chiến đấu cho lý tưởng cách mạng của dân tộc, đến năm 1975, ông Năm Trung và hàng triệu người dân 2 miền Nam - Bắc hân hoan niềm vui đất nước thống nhất, non sông nối liền 1 dải. Trong niềm vui chung của toàn dân tộc, ông Năm mới tự tin và xây dựng niềm vui riêng - lập gia đình. Đến năm 1985, gia đình ông Năm quyết định rời Bến Cát, Bình Dương về Bình Phước lập nghiệp, với nhiệm vụ Bí thư chi bộ Nông trường Tân Thành. Cuộc sống nơi vùng đất mới khó khăn đến đỗi, nhiều bữa cơm của hai vợ chồng với 5 người con chỉ có 1 tô canh. Nhưng với ông Năm, hạnh phúc vẫn luôn ngập tràn trong căn nhà nhỏ. Hạnh phúc vì có gia đình, con cái, được sống trong độc lập, hòa bình.

Trưởng thành và tôi luyện trong chiến tranh, nên ông Năm luôn giữ cho mình khí chất của người lính, sống đơn giản và trong sạch. Đối với các con của ông, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng luôn là một niềm tự hào, để từ đó hình thành nên nếp sống thuận thảo từ con cháu đến dâu, rể. 3 trong 5 người con của ông năm đều là đảng viên, công chức, viên chức nhà nước. Dẫu bận rộn đến mấy thì 2 ngày cuối tuần, các con cháu đều tụ họp bên ông bà, rộn ràng và đầy ắp tiếng cười... Với ông Năm, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà không phải gia đình nào cũng có được...

Ở độ tuổi 80, mắt đã mờ, tóc đã bạc, đối với những cựu chiến binh trở về sau chiến tranh như ông Năm, ngồi xếp lại những tấm huân, huy chương là như đang nắm trọn gia tài lớn nhất của cuộc đời, những kỷ vật vô giá không thể mua được bằng tiền. Sau những ký ức không quên của một thời xông pha nơi lửa đạn, ông Năm lại tiếp tục sống trọn cuộc đời hào hùng của mình, thanh thản và tự hào vì đã làm tròn nghĩa vụ với đất nước.

  • Từ khóa
34642

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu