Thứ 7, 20/04/2024 10:59:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:41, 18/05/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 60 NĂM ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (1959-2019)

Ký ức hào hùng của những cựu chiến binh Trường Sơn

Thứ 7, 18/05/2019 | 08:41:00 992 lượt xem
BP - Từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử nên đến dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019), các cựu chiến binh Phạm Thành Côn, Vũ Minh Chiến, Văn Thị Hải ở huyện Bù Gia Mập lại nhớ về những năm tháng chiến đấu đầy gian lao mà anh dũng.

đúc kết Sức mạnh

Cựu chiến binh Phạm Thành Côn (1945), ngụ thôn 10, xã Đắk Ơ, tự hào cho biết, sau 2 năm nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ quốc lộ 1A, tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, đến năm 1969, ông nhận lệnh vào chiến trường B và được biên chế làm Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 34, Trung đoàn 591, Đoàn 559. Ông trực tiếp chỉ huy đội pháo cao xạ bắn máy bay địch yểm trợ bộ binh, bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh từ Binh trạm 12 đến Binh trạm 33. Giai đoạn 1970-1972, chiến tranh xảy ra ác liệt, đơn vị ông tiếp tục chiến đấu tại các trận địa đường 9 - Nam Lào (Lam Sơn 719) đánh từ Đông Hà (Quảng Trị) tới Bản Đông sang Lào, đến các trận địa Lao Bảo, Khe Sanh, Cam Lộ, sau đó tiến quân vào Đắk Tô, Tân Cảnh, Kon Tum tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ, bảo vệ sân bay Pleiku. Tháng 2-1975, sau khi chiến đấu và chiến thắng tại Buôn Ma Thuột, theo đường 14, đơn vị ông tiếp tục đánh xuống Đồng Xoài, Bến Cát, Dầu Tiếng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông Phạm Thành Côn

Trong quá trình chiến đấu, ông Côn không thể nào quên ý chí gan dạ, quật cường của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Ông nhớ rõ: “Năm 1972, máy bay địch bắn phá suốt ngày đêm tại Quảng Trị. Nhiều lần chúng ném bom dữ dội làm sập hầm, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của ta bị đất đá vùi lấp, ngay sau đó được đồng đội tập trung đào bới cứu sống. Trong quá trình di chuyển xe pháo ban đêm, nhiều lần xe bị lật, nhưng bằng sức mạnh được đúc kết từ lòng căm thù giặc, bộ đội lại nhanh chóng khắc phục và chiến đấu ngoan cường”.

Giằng co từng trận địa

Ông Vũ Minh Chiến (1951), quê huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Văn cho biết: Tháng 1-1970, ông nhập ngũ vào Đại đội 14, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 250, Sư đoàn 367. Từ năm 1970-1975, đơn vị ông liên tục chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục chiến đấu tới Long Khánh, Đồng Nai thì nhận được tin giải phóng miền Nam. Suốt 5 năm vừa cầm súng chiến đấu vừa làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc thương binh, ông Chiến nhớ rõ từng trận đánh ác liệt: “Năm 1972, đơn vị tôi được lệnh từ Hang Sơ Líp, cao điểm 52 vượt sông Sơ Mu vào A Sầu, A Lưới chiến đấu giải phóng lần lượt Bãi Dinh, Khe Sanh, Lao Bảo, Đường 9 - Nam Lào, sau đó tiếp tục giải phóng Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị. Thời điểm đó, giặc Mỹ chuyên dùng B52 ném bom vào lúc 5 giờ, 11 giờ và 24 giờ hằng ngày, ta và địch giằng co nhau từng trận địa. Đơn vị tôi sau đó đánh “cuốn chiếu” từ Quảng Trị tới Đà Nẵng, theo đường mòn tiếp tục đánh chiếm Long Khánh, Đồng Nai thì được tin miền Nam giải phóng”.

Ông Vũ Minh Chiến

“Đội phẫu thành đồng”

Bà Văn Thị Hải (1949), quê tỉnh Thừa Thiên - Huế, trú thôn 1, xã Phú Văn tham gia bộ đội từ năm 1965. Là cơ sở cách mạng bị địch phát hiện nên tổ chức đã biên chế bà vào Đại đội Quân y, Trung đoàn 6, Đoàn Phú Xuân, Quân khu Trị Thiên. Khi đó, bà Hải mới 16 tuổi. Nhiệm vụ của bà hằng ngày làm y tá, chữa trị, chăm sóc thương binh. Năm 1968, bà tham gia chiến dịch Mậu Thân với 26 ngày đêm chiến đấu tại thành phố Huế. Đây là một trong những trận đánh bà nhớ nhất, bởi vô cùng gay go, ác liệt.

Bà Văn Thị Hải

Bà Hải nhớ lại: Sau nhiều lần giằng co, ta chiếm lại thành phố Huế, đánh ra ngoại thành. Đơn vị cử tôi và 2 đồng đội là anh Ích (quê Hà Sơn Bình, nay là Hòa Bình và Hà Tây) và anh Việt (quê Vĩnh Linh, Quảng Trị) ở lại chăm sóc thương binh. Đến ngày thứ 2, chúng tôi bị một tốp địch phát hiện và truy kích. 3 anh em quyết tâm trụ lại chiến đấu để bảo đảm an toàn cho thương binh. Với nhiều thành tích gan dạ, dũng cảm, cuối năm 1968, tôi và 3 đồng đội nữa vinh dự được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Tại đây, chúng tôi báo cáo thành tích, được Bác khen ngợi và tặng danh hiệu “Đội phẫu thành đồng”.

Sự kiện Bình Phước đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại, các cựu chiến binh Phạm Thành Côn, Vũ Minh Chiến, Văn Thị Hải lại bùi ngùi xúc động nhớ về những đồng đội một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ông Bùi Phó Vĩnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Gia Mập khẳng định: “Chiến tranh đã lùi xa, các cựu chiến binh nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng luôn vững vàng, kiên định, đều là những hội viên tiêu biểu có uy tín và gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định ở địa phương”.

Quang Minh

  • Từ khóa
27708

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu