Thứ 4, 24/04/2024 03:55:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:14, 28/07/2020 GMT+7

Kiểm soát nỗi đau

Huỳnh Phúc
Thứ 3, 28/07/2020 | 08:14:00 278 lượt xem
BPO - Gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra thật sự là nỗi ám ảnh. Đặc biệt là vụ TNGT kinh hoàng ở tỉnh Bình Thuận làm chết 8 người. Tại tỉnh Bình Phước, chỉ trong 8 ngày, từ 18 đến 25-7, số vụ TNGT mà phóng viên ghi nhận là 10 vụ, làm chết 8 người, bị thương 9 người.

Theo con số thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì TNGT, trung bình mỗi ngày có gần 30 người bước chân ra khỏi nhà và sẽ không bao giờ quay trở về. Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu dẫn đến TNGT do người tham gia giao thông gây ra chiếm 80%. TNGT để lại phía sau những nỗi đau không thể diễn đạt bằng lời và cả sự kiệt quệ về sức lực, tinh thần, thậm chí khánh kiệt về tài sản của không ít gia đình…

Trong điều kiện thực tế về kết cấu hạ tầng giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn ở mức kém như hiện nay, để giảm bớt nỗi đau, thiệt hại do TNGT gây ra thật sự là điều khó. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy hằng ngày, người tham gia giao thông thản nhiên vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ, vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại di động… Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chỉ trong vòng 1 tháng thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (từ ngày 15-5 đến 14-6), cảnh sát giao thông cả nước xử lý hơn 400 ngàn trường hợp vi phạm, tước hơn 27 ngàn bằng lái, tạm giữ trên 61 ngàn phương tiện. Sự thật đó đồng nghĩa, khẩu hiệu tuyên truyền “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người” vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Không thể trông chờ ý thức của người tham gia giao thông tăng lên cao chỉ sau những đợt ra quân tuần tra, kiểm soát phương tiện, xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông. Cũng như không thể trông chờ số vụ TNGT sẽ giảm sau những chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng. Bởi, lời giải cho bài toán này là tổng hợp của rất nhiều giải pháp, từ việc tuyên truyền, vận động đến giáo dục người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông; phát huy vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông, xử lý nghiêm lỗi vi phạm, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng…

Trong số các giải pháp, cốt lõi vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, sẽ không mấy hiệu quả nếu chúng ta không chú ý giáo dục, xây dựng ý thức giao thông cho mọi công dân ngay từ khi còn nhỏ. Bắt đầu từ việc nêu gương của cha mẹ trong gia đình, giáo dục trong nhà trường, trẻ sẽ tiếp nhận những bài học về việc tuân thủ các quy tắc giao thông một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và thẩm thấu dần theo thời gian, hình thành ý thức tự giác chấp hành luật, chứ không phải theo kiểu đối phó như hiện nay. Khi đã được giáo dục tử tế ngay từ khi còn nhỏ, chắc chắn mọi người sẽ biết tự xấu hổ với những hành vi vi phạm pháp luật khi lớn lên.

Một xã hội tiến bộ hay không, được đánh giá bởi rất nhiều tiêu chí. Còn đánh giá một cá nhân có văn hóa hay không, lại đơn giản hơn rất nhiều. Đó là chỉ cần nhìn vào cách ứng xử của họ với chính những người xung quanh mình. “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”. Chỉ đến khi mọi người biết tự xấu hổ với hành vi vi phạm luật giao thông, mới mong chúng ta sẽ không còn thảng thốt với những nỗi đau TNGT.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu