Thứ 3, 16/04/2024 16:03:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 14:49, 28/07/2019 GMT+7

Không cam chịu khi bị bạo hành

Chủ nhật, 28/07/2019 | 14:49:00 367 lượt xem

Chị Ngọc Mai thân mến!

BP - Vợ chồng em cưới nhau hơn 10 năm và có 2 đứa con. Anh làm việc cơ quan, còn em ở nhà nội trợ và chăm sóc các con. Tiền lương của anh chỉ đưa một nửa cho 3 mẹ con chi tiêu, trang trải cuộc sống. Mấy năm gần đây, anh thường xuyên đánh đập và đối xử tệ với em vì cho rằng em ăn bám, lại cù lần nên cuộc sống cứ mãi khó khăn. Anh còn đánh chửi em trước mặt các con nên em càng chán nản. Em đã từng nghĩ đến ly hôn nhưng vì thương 2 con nhỏ nên chưa thể dứt khoát...

Trước đây, anh rất yêu thương và chiều vợ con. Dịp lễ, sinh nhật, anh đều quan tâm mua quà cho em và con. Nhưng mấy năm gần đây anh thay đổi. Tính anh gia trưởng và bảo thủ, vợ không có tiếng nói trong gia đình. Có thể sau 2 lần sinh nở, em xấu đi nhiều cũng là lý do anh không còn yêu em như trước. Những lúc cãi nhau, anh thường nói nhiều câu rất khó nghe và giận lên thì đánh em. Hết giận, anh lại ngọt nhạt xin lỗi nhưng sau thì đâu vẫn hoàn đó...

Các con em ngày càng lớn, nhu cầu học tập chi tiêu càng nhiều nên tiền chồng đưa không đủ. Em bán thêm hàng mỹ phẩm online để kiếm tiền lo cho con thì anh la mắng, bắt em về lo cơm nước, dọp nhà cửa nếu em đi ship hàng... Nhiều lần em nói chuyện với anh về vấn đề này nhưng anh gạt phăng đi và nói “Mày không có quyền dạy tao”. Thấy ba đánh mẹ, con trai em càng sợ ba. Em để ý thấy ba về là con trốn ngay vào phòng, trở nên nhút nhát và ít nói hơn, càng không thích nói chuyện với ba. Nếu cứ thế này, em sợ khi lớn lên 2 đứa trẻ sẽ bị tổn thương. Giờ em không biết phải làm thế nào?

Bảo Minh (Hớn Quản)

Bảo Minh thân mến!

Bạo lực gia đình không còn là chuyện mới nhưng nó luôn là vấn đề nóng cần sự can thiệp, lên án và chung sức giải quyết của cả cộng đồng, chứ không còn là chuyện mỗi gia đình “đóng cửa bảo nhau” nữa. Nhất là khi chồng em là người gia trưởng, bảo thủ và cực đoan. Em đã lựa lời tâm sự với anh ta về những suy nghĩ, cảm xúc của mình khi cãi nhau mà anh ta không muốn lắng nghe, tiếp thu thì rất khó “cải tạo”. Trước hết em nên chọn giải pháp “im lặng”, tránh đi chỗ khác nếu cuộc nói chuyện sắp trở thành to tiếng khi bình tĩnh mới nói chuyện lại. Bởi vì anh ta có tính nóng nảy, nếu cố tranh luận sẽ không bao giờ chứng minh được ai đúng, ai sai mà chỉ khiến cả hai thêm bực bội, nghĩ xấu về người kia.

Việc thay đổi quan điểm, tính cách của một người là rất khó nhưng em vẫn có thể tránh được xung đột với chồng bằng cách yên lặng, khi đó anh ấy đâu thể độc thoại mãi được. Tiếp đến, cần có sự thống nhất, cam kết với nhau về việc không dùng bạo lực và không dùng những lời lẽ làm tổn thương đối phương. Nếu ai vi phạm có thể bị phạt theo hình thức nào đó mà hai người đã đồng thuận từ trước. Nhất quyết không cam chịu khi bị bạo hành mà phải kể cho ba mẹ, người thân biết. Thậm chí, có thể nhờ tới ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Thậm chí suy nghĩ lại vấn đề có nên tiếp tục với cuộc hôn nhân này không? Vì sức chịu đựng của mỗi người có hạn, em không thể sống trong cảnh luôn bị bạo hành ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và danh dự được. Chúc em sớm có cuộc sống ổn định.

Ngọc Mai

  • Từ khóa
107960

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu