Thứ 7, 20/04/2024 09:11:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:02, 10/11/2017 GMT+7

Khởi nghiệp từ nấm bào ngư

Thứ 6, 10/11/2017 | 15:02:00 2,690 lượt xem
BP - Trang trại nấm bào ngư của anh Đặng Quang Chung nép mình trong lô cao su ở xã Tân Thành (Đồng Xoài). Đây là nơi anh ủ phôi, lên men và bán nấm thành phẩm ra thị trường. Khởi nghiệp từ trồng nấm, hiện gia đình anh Chung thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.

Phát triển kinh tế từ nấm

Anh Đặng Quang Chung (1981) quê tỉnh Yên Bái. Cách đây hơn 10 năm, anh vào Bình Phước lập nghiệp bằng nghề chạy xe tải. Thời gian này, anh quen và kết hôn với chị Bùi Thị Hạnh (1986) rồi quyết định ở lại ấp 7, xã Tân Thành lập nghiệp. Trải qua rất nhiều cực nhọc trên các cung đường, năm 2011, anh nghỉ chạy xe chuyển sang trồng nấm.

Quy trình làm nấm khép kín giúp gia đình anh Chung có thu nhập ổn định, giữ uy tín trên thị trường

 Kể về những ngày đầu đến với nghề trồng nấm, anh Chung nói: “Khi vợ sinh con đầu lòng, mình vẫn tất tả với nghề chạy xe đường dài. Nhiều đêm trên những chặng đường, phải căng mắt chống chọi với cơn buồn ngủ, mình mong muốn đổi nghề để được ở gần chăm sóc vợ con”. Sau một thời gian “kiếm vốn”, anh mua 2 sào đất ở hiện tại. Gia đình nhà vợ có kinh nghiệm trồng nấm nên anh bàn với vợ trồng các loại nấm linh chi, nấm mèo, bào ngư. Nghĩ là làm, anh xây dựng trại nấm với đầy đủ công đoạn: nghiền bột, lên men, ủ phôi, vô meo, bán phôi và trồng nấm thành phẩm. Với công việc này, vợ chồng anh phải thuê thêm 6 nhân công.

Đưa chúng tôi đi thăm trại nấm, anh Chung cho biết, tất cả phải có bí quyết. Điều quan trọng là phải uy tín, đảm bảo chất lượng và ưu đãi về giá. “Mình làm đúng, làm chuẩn thì mới có nhiều nấm thành phẩm chất lượng. Từ đó uy tín ngày càng tăng và lượng hàng bán ra ngày một nhiều” - anh Chung nói.

Giữ uy tín trên thị trường

Để đảm bảo chất lượng phôi, vợ chồng anh Chung tự kiểm tra tất cả khâu sản xuất. Đầu tiên là khâu chọn bột gỗ, sau đó vô men, ủ phôi, vô meo, lên giàn nấm. Các khâu đều có phương pháp làm và tỷ lệ riêng. Riêng bột trồng nấm bào ngư phải là bột gỗ cao su, vì theo kinh nghiệm của anh Chung, nấm bào ngư “ưa” nhất là gỗ trắng, mủ trắng.

Hiện trại nấm của gia đình anh cung cấp ra thị trường từ 40-50 ngàn bịch phôi nấm các loại với giá 3.500 đồng/bịch. Ngoài bán nấm phôi, anh còn cung cấp cho thị trường hàng tạ thành phẩm nấm bào ngư trắng. Thương lái đến tận trại mua với giá mối 25 ngàn đồng/kg. “Vừa làm phôi nấm vừa làm nấm thành phẩm giúp mình theo dõi chi tiết quá trình phát triển của nấm. Đây chính là kinh nghiệm thực tiễn để mình có thể cung cấp ra thị trường những bịch phôi chất lượng” - chị Hạnh chia sẻ.

Trước đây, trại nấm Chung Hạnh từng làm nấm linh chi, nấm mèo. Nay do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường tăng cao nên anh chị chỉ tập trung vào nấm bào ngư xám. Anh Chung cho biết, loại nấm này rất sạch, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Để trại nấm phát triển, anh lắp đặt dàn phun sương tự động. Với hệ thống này, nhà nấm đủ độ ẩm để nấm phát triển tốt. Chị Hạnh nói: “Hầu như ngày nào gia đình cũng có nấm bán ra thị trường. Lứa nọ so le lứa kia, mỗi ngày ít nhất mình cũng thu được 100kg nấm”.

Quy trình của 1 phôi nấm kéo dài 5-6 tháng. Mỗi bịch phôi trung bình thu từ 2-3 lạng nấm tươi. Quá trình nuôi, thu hoạch phụ thuộc kỹ thuật của người trồng. Vì vậy, khi bán phôi ra thị trường, anh còn chia sẻ cho nông dân cách dựng trại, vô hàng, tạo độ ẩm cho phôi. Anh cho rằng, người trồng nấm nên đầu tư dàn phun sương tự động vừa đỡ tốn công vừa đảm bảo độ ẩm cho nấm phát triển tốt nhất. Với trại nấm thành phẩm, sau khi bán nấm tươi, anh tận dụng xác phôi bán cho người trồng nấm rơm.

Nấm bào ngư xám thường mắc bệnh mốc xanh. Bệnh gây hại phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai, tuy nhiên bệnh này không lây nhiễm. Anh Chung cung cấp ra thị trường đảm bảo nguyên tắc 100% ra trọn vẹn. Nhờ làm đúng quy trình, kỹ thuật và giữ uy tín nên phôi nấm của gia đình anh được  người tiêu dùng ưa chuộng. Trừ chi phí sản xuất, anh thu lợi ít nhất 400 triệu đồng/năm. Chia sẻ về hướng đi sắp tới, anh chị cho biết sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, anh sẽ trồng trở lại nấm mèo và nấm linh chi.

T. Linh

  • Từ khóa
38446

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu