Thứ 4, 17/04/2024 04:19:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 17:17, 08/05/2016 GMT+7

Quyền tiếp cận thông tin của công dân được đề cao

Chủ nhật, 08/05/2016 | 17:17:00 347 lượt xem
BP - Luật Tiếp cận thông tin đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 6-4-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Luật này quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều đáng lưu ý trong luật này là quyền tiếp cận thông tin của công dân được đề cao.

Quyền tiếp cận thông tin của công dân được đề cao và bảo đảm bằng các chế tài cụ thể. Trong ảnh: UBND tỉnh tổ chức họp báo thông báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý 3/2014 - Ảnh: Hoàng ThuQuyền tiếp cận thông tin của công dân được đề cao và bảo đảm bằng các chế tài cụ thể. Trong ảnh: UBND tỉnh tổ chức họp báo thông báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý 3/2014 - Ảnh: Hoàng Thu

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tiếp cận thông tin

Về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tiếp cận thông tin, Luật Tiếp cận thông tin quy định công dân có quyền: Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Đồng thời, luật cũng quy định công dân có nghĩa vụ: Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Về cách thức tiếp cận thông tin, theo quy định của luật thì công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức sau: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Bên cạnh việc quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, cách thức tiếp cận thông tin, luật cũng cho phép người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của luật này. Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.

Trách nhiệm cung cấp thông tin

Theo quy định của luật này, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra. UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Luật cũng quy định rõ việc cơ quan nhà nước trực tiếp tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin, trừ các trường hợp sau đây: Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chủ tịch nước tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Đoàn đại biểu Quốc hội tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do HĐND, Thường trực HĐND, các cơ quan của HĐND cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin do HĐND, Thường trực HĐND, các cơ quan của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện tạo ra và thông tin do mình tạo ra; UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho công dân cư trú trên địa bàn thông tin do mình và do các cơ quan ở cấp mình tạo ra, thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cung cấp cho công dân khác thông tin này trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ...

Cơ chế giám sát nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin

Để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực thi theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin đã quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, như sau: Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

Luật cũng quy định thẩm quyền thực hiện việc giám sát của các cơ quan như sau: Quốc hội giám sát tối cao việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. HĐND giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân ở địa phương; định kỳ hằng năm, xem xét báo cáo của UBND cùng cấp về tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát xã hội việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Đồng thời, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm, như sau: Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người cung cấp thông tin có một trong các hành vi quy định tại luật này mà gây thiệt hại thì cơ quan nhà nước cung cấp thông tin phải bồi thường thiệt hại, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Người thực hiện quyền tiếp cận thông tin sử dụng thông tin được cung cấp gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Với những quy định cụ thể trong Luật Tiếp cận thông tin nói trên cho thấy, quyền tiếp cận thông tin của công dân không những được đề cao, mà còn được Nhà nước bảo hộ, bảo đảm bằng các chế tài cụ thể, rõ ràng.

L.V

  • Từ khóa
54893

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu