Thứ 3, 23/04/2024 19:35:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:35, 21/07/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN BÙ ĐĂNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững

Thứ 3, 21/07/2020 | 09:35:00 785 lượt xem
BPO - Bù Đăng có tiềm năng, lợi thế về đất đai, phù hợp với nhiều loại cây trồng, là cửa ngõ giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, xác định hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là 40% số dân đồng bào dân tộc thiểu số, là nhiệm vụ rất quan trọng. Nhiệm kỳ qua, huyện Bù Đăng đã khai thác và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, đưa diện mạo huyện ngày một khởi sắc.

Nông nghiệp bứt phá

Từ một vùng đất độc canh cây điều, cao su, cà phê, Bù Đăng đã nắm bắt lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển đa dạng các loại cây trồng. Diện tích cây hằng năm hiện có 6.000 ha, giảm 1.115 ha so với đầu nhiệm kỳ; diện tích cây lâu năm 104.780 ha, tăng 4.076 ha so với đầu nhiệm kỳ. Trong đó, nhiều mô hình cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh, bơ sáp… trồng  theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Đến nay, huyện đã hướng dẫn, triển khai 4 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp 30 công trình thủy lợi để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và chủ động tưới tiêu cho 3.163 ha cây trồng các loại.

Ông Bùi Văn Út, thành viên Hợp tác xã cây ăn trái Minh Hưng - Long An ở xã Minh Hưng với vườn sầu riêng được chăm sóc theo quy trình VietGAP - Ảnh: Đông Kiểm

Ngành chăn nuôi đang phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở các chuỗi liên kết khép kín, chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Trên địa bàn huyện đã hình thành 17 trang trại chăn nuôi công nghiệp. Tổng đàn gia cầm hơn 509.000 con, gia súc hơn 31.000 con. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng 5,1 ha so với đầu nhiệm kỳ. Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại phát triển nhanh, hiện có 24 tổ hợp tác kinh tế và 20 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng nhân dân; 104 trang trại với quy mô sản xuất trên 1.400 ha. Bù Đăng ngày càng có nhiều nông hộ sản xuất -  kinh doanh cho thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Với các lợi thế của mình, Bù Đăng đang chủ động “đánh thức” tiềm năng để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tốc độ tăng bình quân 5,69%/năm, cao hơn 2,19% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Thương mại - dịch vụ và công nghiệp tương xứng tiềm năng

Hệ thống giao thông phát triển đã kích thích, tạo động lực cho thương mại - dịch vụ phát triển. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng tốc độ tăng bình quân hằng năm 9,05%, cao hơn 0,05% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Huyện đã hoàn thành quy hoạch 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 225,23 ha. Đặc biệt, tỉnh đang xúc tiến đầu tư thương mại cho ngành điều và hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc tế hạt điều Bình Phước của Tập đoàn Mêkông châu Âu BV tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng với diện tích 200 ha và xúc tiến triển khai Cụm công nghiệp Minh Hưng.

Đột phá về tăng cường thực hiện xã hội hóa xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng nông thôn, đến nay, 100% xã, thị trấn có trụ sở làm việc kiên cố theo quy định; trạm y tế các xã được quan tâm đầu tư. 90% phòng học trên địa bàn huyện được kiên cố hóa, không còn phòng tạm, mượn; có 8 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 11/67 trường học đạt chuẩn quốc gia, dự kiến đến cuối năm 2020 có 14/67 trường đạt chuẩn quốc gia.

Ông Từ Văn Hùng ở thôn 1, xã Đức Liễu với mô hình vườn sầu riêng được chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học - Ảnh: Đông Kiểm

Từ chương trình đột phá “Quy hoạch, xây dựng và phát triển toàn diện thị trấn Đức Phong hoàn thành tiêu chí loại V vào năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, huyện đã huy động các nguồn lực nâng cấp, cải tạo, mở rộng, làm mới một số tuyến đường trong huyện và nội ô thị trấn Đức Phong. Các tuyến đường liên xã cơ bản được bê tông nhựa hóa; 100% thôn, ấp có đường sỏi đỏ, đường thâm nhập nhựa, bê tông xi măng. Đầu tư nâng cấp, xây dựng các trạm và hệ thống lưới điện cho các xã, thị trấn bằng nhiều nguồn vốn, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lên 98,8%.

Đến cuối năm 2019, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 80-85% giá trị sản xuất và trở thành khu vực đóng góp chủ yếu vào phát triển kinh tế của huyện; đưa doanh thu từ thương mại - dịch vụ tăng trưởng bình quân 16,5%/năm.

Kết cấu hạ tầng thông suốt

Từ một vùng đất đầy khó khăn, giao thông chủ yếu là đường đất, nắng bụi, mưa lầy, huyện luôn xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng thúc đẩy mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội phát triển. Nguồn vốn đầu tư từ các dự án của Trung ương, tỉnh và ngân sách huyện hằng năm ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020 là 543 tỷ 895 triệu đồng.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được xem là thành tựu nổi bật nhất trong việc triển khai thực hiện các chương trình đột phá của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Từ năm 2016-2019, huyện cứng hóa 259,6km đường giao thông nông thôn và nâng cấp, sửa chữa 86,4km đường sỏi với tổng kinh phí 160,335 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm phục vụ giáo dục gồm các trường: Mầm non Đức Phong, Mầm non Đức Liễu, Tiểu học Bom Bo, Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có tổng mức đầu tư gần 85 tỷ đồng; dự án đường Bom Bo - Đắk Nhau tổng vốn đầu tư 44,6 tỷ đồng; dự án cầu dân sinh Thọ Sơn - Đắk Nhau có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng và một số dự án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt như khu tái định cư thôn 3, xã Minh Hưng; khu dân cư trung tâm hành chính xã Phú Sơn; khu dân cư thương mại, dịch vụ xã Bom Bo...

Bù Đăng là huyện nông nghiệp, đời sống người dân còn nghèo, trong khi kết cấu hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là đường giao thông và điện chiếu sáng. Huyện đã huy động tối đa nguồn lực trong dân cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Trong nhiệm kỳ, nhân dân đóng góp hơn 89,5 tỷ đồng để thực hiện 247,4km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù; đóng góp hơn 3,35 tỷ đồng lắp đặt các trụ đèn đường chiếu sáng. Dự kiến đến hết năm 2020, huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Đức Phong cơ bản hoàn thành tiêu chí đô thị loại V, một số mặt đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Nhiệm kỳ 2015-2020, các chỉ tiêu đều vượt so với nghị quyết đề ra, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 7,89%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 44%; thương mại - dịch vụ chiếm 36%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20%. Thu nhập bình quân đầu người 54 triệu đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2015. Trong nhiệm kỳ đã giảm 1.017 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 254 hộ, tỷ lệ 0,8-1%... Đây là những kết quả quan trọng, là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Nguyễn Thanh Bình
Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng

  • Từ khóa
45889

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu