Thứ 3, 16/04/2024 13:55:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:41, 08/02/2016 GMT+7

Múa lân sư rồng - nghệ thuật và tín ngưỡng

Thứ 2, 08/02/2016 | 09:41:00 3,622 lượt xem

BP - Múa lân sư rồng là môn nghệ thuật dân gian thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là tết Nguyên đán và tết Trung thu. Theo quan niệm của người xưa, lân - sư - rồng là 3 linh vật tượng trưng cho thịnh vượng, phát tài, hạnh phúc và hanh thông. Vì vậy cứ mỗi dịp tết đến xuân về, khắp đường làng ngõ, xóm chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chú lân, rồng hay ông Địa với những điệu múa vui nhộn làm cho mùa xuân thêm tươi mới.

TỪ TÍN NGƯỠNG...

Múa lân không chỉ là môn nghệ thuật dân gian mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân ta. Vì vậy, người chơi môn nghệ thuật này phải am hiểu tường tận từng bài múa, điệu múa sao cho vừa đẹp mắt vừa ẩn chứa những điều chúc phúc cho gia chủ. Để có một đoàn lân sư rồng thì ngoài yếu tố con người, còn phải có những hình ảnh tượng trưng là lân sư rồng với hình hài, màu sắc bắt mắt.

Anh Nguyễn Tá Tuấn, đoàn nghệ thuật lân sư rồng Long Anh Đường (Bình Long) cho biết: “Để có những con lân, rồng sinh động, sau khi mua về chúng tôi phải làm lễ “Khai hoang điểm nhãn”. Đây là nghi lễ hết sức quan trọng vì nó quyết định đến cái hồn, thần sắc và yếu tố tâm linh của lân - sư - rồng. Theo tín ngưỡng dân gian, nghi lễ phải diễn ra trang trọng trong một ngôi chùa và sư trụ trì là người “Khai hoang điểm nhãn”. Ngoài ra, đoàn chúng tôi còn lập bàn thờ tổ để mỗi lần đi biểu diễn lân sư rồng cầu xin thành công và mang lại may mắn cho gia chủ, niềm vui cho khán giả”.

Múa rồng - tiết mục cần sự phối hợp biểu diễn của nhiều thành viên

Múa lân sư rồng có xuất xứ từ Trung Quốc và du nhập vào nước ta từ hàng ngàn năm, được cha ông cải tiến cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Hiện nay, trong dịp tết hay lễ hội chỉ có múa lân và múa rồng. Múa lân thường có 4 bài “độc chiếm ngao đầu” (1 con lân biểu diễn), “song hỷ (2 con lân cùng biểu diễn), “tam tinh - tam anh” (3 con lân hợp múa với ba màu vàng, đỏ, đen) và “tứ quý hưng long” (4 con lân cùng múa, gồm 4 đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen hoặc xanh). Để múa một con lân phải có 2 người nhưng múa rồng phải từ 7-30 người. “Tuy nhiên, mỗi đoàn lân thường có quan niệm và điệu múa khác nhau. Như khi biểu diễn trong ngày tết Trung thu tại gia, lân phải vào lạy bàn thờ ông Địa, sau đó múa mừng gia chủ. Trong lễ động thổ, đội lân rồng phải lạy 4 phương 8 hướng. Khi múa khai trương, kết thúc bài múa lân từ trong miệng bay ra một tấm liễn bằng vải gấm viết “phát lộc - phát tài”. Đây là vật mà gia chủ treo trước nhà để buôn may bán đắt. Ngày tết Nguyên đán thì đa dạng hơn. Tùy từng gia đình, cơ quan, đơn vị mà đội múa gồm 1, 2 hay 4 con lân, có khi là 1 con rồng. Theo yêu cầu của gia chủ, đội sẽ biểu diễn các bài múa phù hợp” - anh Tuấn kể.

... ĐẾN NGHỆ THUẬT

Để có một bài múa, điệu nhảy đẹp mắt, người múa phải khổ luyện nhiều tháng, nhiều năm, đổ không ít mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu. Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Long Anh Đường của anh Tuấn mới thành lập năm 2014. Vì vậy, hằng tuần 22 thành viên (đa số là học sinh) tranh thủ thời gian tập luyện từ 17-20 giờ, kể cả khi trời mưa. Em Đoàn Khắc Hoàng (10 tuổi), học sinh lớp 5, Trường tiểu học Thanh Bình (Bình Long) cho biết: “Ngày còn nhỏ, nghe ở đâu có múa lân là em chạy đến xem. Năm 2015, biết thầy Tuấn thành lập đội múa lân nên em đến xin học. Em đóng vai ông Địa, được thầy Tuấn dạy các động tác múa cơ bản và nâng cao. Mặc dù tập luyện với cường độ cao nhưng em không bỏ buổi nào”.

Để có được cái lắc đầu lân, những bước di chuyển nhịp nhàng, điệu nhảy thanh thoát, chính xác, đôi bạn múa phải thuộc các bài và đặc biệt là hiểu ý nhau. Một yếu tố quan trọng là sức khỏe, nhất là người cầm đuôi lân vì phải làm trụ vững chắc cho người cầm đầu lân có thể đứng trên người mình múa. Vì vậy, người múa lân phải học võ để có thế đứng tấn vững chắc. Hiện mỗi ngày, đội lân của anh Tuấn tập ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Những hôm có sô diễn lớn, đội duy trì tập luyện từ 2-3 giờ/ngày. Độ khó của các bài tập tăng dần. Múa lân trên giàn Mai hoa thung là khó nhất. Vì vậy, người múa lân giỏi cũng phải tập luyện nhiều lần và có sự phối hợp nhịp nhàng của bạn múa. Bởi Mai hoa thung gồm nhiều trụ sắt sắp xếp theo các bài múa (trụ cao nhất 2,2m, thấp nhất 1,5m), trên mỗi trụ có gắn một tấm sắt chỉ đủ đứng một chân. Mỗi khi tập trên giàn Mai hoa thung phải có đệm lót sàn và người đứng dưới đất hỗ trợ.

Em Đặng Thanh Huy Hoàng (15 tuổi) ở khu phố Phú Xuân, phường Phú Thịnh (Bình Long) học múa lân hơn 1 năm chia sẻ: “Ngày đầu tập, chúng em chưa hiểu ý nhau nên các động tác bật nhảy ngồi lên vai, đứng lên đùi đều không thành, trượt chân ngã thường xuyên. Sau nhiều lần luyện tập, chúng em dần hiểu ý nhau hơn nên động tác khó đều làm được”.

VÀ TẤM LÒNG HƯỚNG THIỆN

Sau những tháng ngày tập luyện miệt mài, các ngày lễ, tết, đội lân có mặt khắp ngõ xóm để mang niềm vui, sự may mắn cho mọi nhà. Cuối mỗi màn múa, đoàn lân được gia chủ thưởng tiền và lễ vật. Tiền thưởng được gia chủ treo trên cao buộc người múa lân phải nhảy lên “ăn”. “Phần thưởng gia chủ treo khoảng 3m, đội lân chọn 1 người to khỏe làm trụ để 2 người múa lân ngồi chồng lên “ăn”. Phần thưởng cao trên 4m, đoàn lân phải chuẩn bị thang để lân múa dần lên rồi ngoạm lấy phần thưởng. Thường phần thưởng càng lớn thì gia chủ treo càng cao để đội múa phô diễn tài nghệ, đồng thời gây sự chú ý cho người xem” - anh Tuấn kể.

Hiện đoàn của anh Tuấn gồm 4 con lân, 1 con rồng. Tới đây anh Tuấn mua thêm 6 con lân để nâng quy mô của đoàn. Ngoài múa lân theo “đơn đặt hàng”, đoàn nghệ thuật lân sư rồng Long Anh Đường còn tham gia múa từ thiện tại một số nơi như trường học, cửa hàng... Những chuyến từ thiện như vậy, anh Tuấn phải dựa vào kinh phí hỗ trợ của Mobifone Bình Phước. Nếu múa theo yêu cầu, sau mỗi chuyến lưu diễn anh em được chia 100 ngàn đồng, còn múa từ thiện thì chỉ được Mobifone Bình Phước hỗ trợ tiền cơm và phương tiện đi lại. Nhưng vì niềm đam mê nên mỗi thành viên trong đoàn lân của anh Tuấn chỉ mong được biểu diễn cho mọi người thưởng thức.

Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Chi nhánh Mobifone Bình Long cho biết: “Đơn vị tôi hay tổ chức các sự kiện lớn, mỗi lần như vậy đều thuê đội lân về múa rất tốn kém. Năm 2014, Mobifone Bình Phước phối hợp với đoàn lân của anh Tuấn tổ chức sự kiện từ thiện như tặng học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo, tặng nhà tình thương, tình nghĩa. Để đội lân đồng hành với Mobifone, chúng tôi hỗ trợ kinh phí mua dụng cụ, trang phục, lân, rồng phục vụ biểu diễn”. Không những múa từ thiện, một tháng 2 lần, các thành viên trong đoàn lại có mặt tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long lúc 5 giờ sáng để phụ nấu cháo từ thiện phát cho bệnh nhân.   

Nhất Sơn

  • Từ khóa
91779

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu