Thứ 5, 28/03/2024 18:43:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:32, 16/02/2016 GMT+7

Có thể nuôi cừu ở Bình Phước?

Thứ 3, 16/02/2016 | 06:32:00 992 lượt xem
BP - Xuất phát từ suy nghĩ “Người khác làm được tại sao mình không làm được?” - anh Trịnh Minh Xuyên ngụ ấp 1, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản đã táo bạo chọn cừu làm vật nuôi chủ lực của gia đình.

Giữa năm 2013, trong một lần đi mua dê ở Ninh Thuận - trung tâm chăn nuôi cừu lớn nhất nước, chợt nghĩ Bình Phước đồng cỏ tự nhiên rộng có thể cung cấp thức ăn cho cừu, anh Xuyên đã chọn mua 5 con đực về nuôi thử nghiệm. Từng chăn nuôi gà, heo rừng lai, dê... nên dù nhận thấy tiềm năng nuôi cừu nhưng anh rất thận trọng, phải thử nghiệm trước mới quyết định mở rộng.

Anh Xuyên và đàn cừu của gia đình Anh Xuyên và đàn cừu của gia đình 

6 tháng sau, đàn cừu phát triển tốt, đạt trọng lượng 35kg/con, anh cho xuất chuồng. Đầu năm 2014, anh mua 33 con gồm 22 con đang mang thai, 11 cừu con với giá hơn 60 triệu đồng. Cuối năm 2014, anh xuất chuồng bán lấy thịt thu 80 triệu đồng và trong chuồng còn lại 43 con. Như vậy, sau một năm anh đã hoàn vốn và còn lãi 43 con cừu. Anh tiếp tục mua thêm 100 cừu đực con để nuôi lấy thịt bởi có sẵn đầu ra ở TP. Hồ Chí Minh. Anh cho biết, thị trường tiêu thụ thịt cừu phần lớn là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Ở Bình Phước, người tiêu dùng vẫn chưa quen bởi thịt cừu còn khá mới mẻ.

Chỉ vào chuồng nhốt 120 con cừu được bố trí như chuồng nuôi dê, anh Xuyên cho biết thêm: Nuôi cừu không khó lắm, chuồng trại đơn giản, vốn đầu tư thấp. Cừu là loài ăn tạp, ít bệnh, tăng trọng nhanh, sức đề kháng tốt. Nuôi 100 con cừu bằng công nuôi 30 con dê, bởi cừu hiền lành, không phá như dê và ăn theo đàn nên rất dễ quản lý. Thời tiết tốt có thể cho cừu đi ăn từ 9 giờ đến trưa, chiều 15-18 giờ, chủ yếu là chăn thả tự nhiên. Ngoài ra có thể bổ sung một số vi chất dinh dưỡng dành cho chăn nuôi như cám, bắp, thức ăn tổng hợp... Nếu nuôi giỏi, cừu tăng 7kg/tháng. Đối với cừu, giai đoạn “vàng” để tăng cân nhanh là lúc đạt trọng lượng 18-30kg. Giá cừu hơi dao động từ 95-105 ngàn đồng/kg. Cừu đạt trọng lượng 35 kg/con được đầu mối thu mua giá tốt nhất.

Anh Xuyên tính toán: Nuôi 1 con bò vốn đầu tư khoảng 30 triệu đồng, sau 1 năm lãi khoảng 15 triệu đồng. Cùng số vốn đó, tôi nuôi được hơn 20 con cừu lấy thịt, 1 năm có thể xuất chuồng hai lứa, lợi nhuận 1 triệu đồng/con, tổng cộng 40 triệu đồng. 120 con cừu còn lại trong chuồng của tôi chỉ cần một người chăn là đủ.

Thế nhưng hành trình nuôi cừu cũng không hề đơn giản, bởi chúng thích hợp với khí hậu khô, nóng như ở Ninh Thuận. Vào Bình Phước gặp mùa mưa, độ ẩm cao sẽ tạo cơ hội cho các loại dịch bệnh tấn công như bệnh giun sán, đặc biệt là lở miệng. Không giấu bí quyết, anh Xuyên hồ hởi chia sẻ: “Khi nhập cừu về Bình Phước, người nuôi cần tránh những tháng mùa mưa. Lúc đầu mình không biết, nhập cừu vào thời điểm đó nên bị chết vài con. Cừu nhiễm giun sán trước khi mua về, sẽ rất khó phát hiện và chữa trị kịp thời. Cừu ăn các loại cỏ sát đất, đầm ruộng, bờ ao nên dễ bị nhiễm giun sán, vì vậy, cần xổ giun sán định kỳ. Cừu bị đầy hơi, tắc dạ cỏ khi ăn phải thức ăn khó tiêu, các bệnh về đường ruột... Người nuôi cần tiêm vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh tả nếu muốn nuôi số lượng lớn”.

Anh Xuyên nói: Nếu có thể gây giống tại địa phương thì cừu con sinh ra sẽ thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển nhanh. Ngược lại, cừu con nhập từ nơi khác về khả năng chống chịu với thời tiết, khí hậu sẽ kém hơn, dễ bị bệnh. Thế nhưng gây giống tại Bình Phước không đơn giản chút nào, bởi nuôi cừu giống phải trải qua thời gian dài, khó chống chịu được trong mùa mưa.

Mô hình nuôi cừu của anh Xuyên bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi gia đình cần dựa vào điều kiện kinh tế, tình hình thực tế của mình để cân nhắc, lựa chọn hướng phát triển phù hợp và bền vững.

Thanh Mai - Lê Khương

  • Từ khóa
40078

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu