Thứ 3, 23/04/2024 20:51:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:55, 31/05/2019 GMT+7

Kết nối dữ liệu dược quốc gia: Tiến độ còn chậm

Thứ 6, 31/05/2019 | 06:55:00 2,118 lượt xem
BP - Theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23-8-2018 về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đến ngày 1-1-2020, tất cả cơ sở bán buôn, các nhà thuốc, quầy thuốc của bệnh viện và trạm y tế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông với dữ liệu dược quốc gia. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ sở kinh doanh dược vẫn chưa kết nối, lúng túng trong triển khai quy định này.

Ông Văn Thanh Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu dược quốc gia, cập nhật dữ liệu trên địa bàn còn thấp là do những quầy thuốc ở xã, thôn nghèo chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, việc kết nối liên thông gặp nhiều khó khăn, thiếu nhân sự tương tác với phần mềm. Thậm chí, chủ một số quầy thuốc nhỏ lẻ còn chưa phối hợp để triển khai liên thông. Các cơ sở cung ứng thuốc lo ngại vấn đề bảo mật thông tin, tăng khối lượng công việc khi thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh bằng phần mềm.

Mới đạt 33,3%...

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng và buôn bán thuốc trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều, dẫn đến số lượng các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh cũng tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 13 bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm chuyên khoa trực thuộc. Ngoài ra, còn có 1 bệnh viện tư nhân, 1.067 cơ sở kinh doanh dược, 7 doanh nghiệp bán buôn thuốc, 80 nhà thuốc, 980 quầy thuốc.

Khách hàng Lê Tiền Giang ở xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng đang khai thông tin cá nhân khi mua thuốc tại nhà thuốc Gia Nghĩa

Theo lộ trình, đến ngày 1-1-2019 đối với các nhà thuốc và từ ngày 1-1-2020 đối với các quầy thuốc, phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Ông Văn Thanh Bình cho biết thêm: Hiện nay, đơn vị đang tập trung triển khai thực hiện với 2 đối tượng là nhà thuốc và quầy thuốc. Đơn vị đã có Công văn số 470/SYT/NVD ban hành ngày 19-3-2019, yêu cầu các doanh nghiệp bán buôn, nhà thuốc phải hoàn tất triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối vào hệ thống dữ liệu dược quốc gia, chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý trước ngày 30-5-2019. Đối với tất cả quầy thuốc, có kế hoạch triển khai phần mềm sớm, tránh dồn cuối năm 2019 mới liên hệ với các công ty cung cấp phần mềm, dễ dẫn đến tình trạng nhà cung cấp không đủ nhân sự và thời gian để hướng dẫn, thời gian hoàn thành trước 1-1-2020. Tuy nhiên, đến ngày 21-5-2019, trên địa bàn tỉnh mới có 356/1.067 cơ sở kinh doanh dược kết nối liên thông với dữ liệu dược quốc gia, đạt 33,3%. Trong đó, có 50 cơ sở kết nối cập nhật dữ liệu, đạt 14,04%; còn 306 cơ sở kết nối chưa cập nhật dữ liệu, chiếm 80,96%.

Cơ sở kinh doanh dược chưa tích cực

Hiện có 15 đơn vị cung cấp phần mềm được Bộ Y tế phê duyệt kết nối và chuyển dữ liệu vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Tại Bình Phước chủ yếu có 2 tập đoàn tham gia cung ứng phần mềm cho các cơ sở kinh doanh dược là Viettel và VNPT.

Việc nhiều đơn vị cung cấp phần mềm kết nối khiến các nhà thuốc, quầy thuốc như rơi vào “ma trận” và không biết lựa chọn đơn vị nào có kết quả tối ưu nhất. Nguyên nhân chính khiến một số cơ sở kinh doanh thuốc chưa kết nối liên thông với dữ liệu dược quốc gia là do chưa chọn được nhà cung ứng làm họ yên tâm và hài lòng, mặc dù đã được dự nhiều lớp tập huấn do Sở Y tế phối hợp với các nhà cung ứng phần mềm tổ chức.

Khi các cơ sở bán lẻ thuốc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia, người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Người dân cũng có thể so sánh qua ứng dụng trên điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên website... Đối với cơ sở kinh doanh thuốc, sẽ quản lý hiệu quả việc bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, kiểm soát hạn dùng thuốc, cảnh báo thuốc sắp hết hạn, thuốc bị thu hồi.

Ông Văn Thanh Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế

Chị N.T.T.T, chủ cửa hàng thuốc tây T.T ở khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài cho biết: “Mỗi phần mềm có một lợi thế khác nhau về chức năng cũng như giá cả. Tôi đã tìm hiểu thông tin từ những người đã lắp phần mềm kết nối kể cả của 2 nhà mạng Viettel và VNPT. Về chi phí, VNPT có mức phí 1,2 triệu đồng/năm, còn Viettel 1,8 triệu đồng/năm. Các bên đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, dùng thử hấp dẫn, nhưng vấn đề băn khoăn nhất vẫn là chức năng của phần mềm nào ổn định và tối ưu nhất”.

Ngoài ra, hằng tháng, các nhà thuốc, quầy thuốc phải mất chi phí để sử dụng phần mềm, tăng thêm người làm vì phải cập nhật thông tin cá nhân khách hàng, bán thuốc theo đơn... khiến việc kinh doanh hoạt động bán buôn thuốc của các cơ sở không còn “tự do” như trước đây. Đó là những rào cản khiến các đơn vị này chần chừ chưa tham gia kết nối dữ liệu dược quốc gia.

Anh N.M.T, chủ cơ sở kinh doanh thuốc M.T ở thôn 12, xã Long Hà, huyện Phú Riềng cho biết: “Người dân có thói quen đến các quầy thuốc khai bệnh để mua thuốc mà không có kê đơn của bác sĩ. Nếu giờ chỉ đến mua liều thuốc cảm, hay đơn giản là gói thuốc hạ sốt cho con cũng phải hỏi các thông tin cá nhân để lưu vào phần mềm sẽ khiến khách hàng khó chịu. Mặt khác, cửa hàng tôi chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất để kết nối liên thông”.

Không phải “thượng đế” nào cũng sẵn sàng

Có mặt tại nhà thuốc Gia Nghĩa trên đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài lúc 16 giờ 30 phút, là giờ cao điểm, chúng tôi thấy đang có 8 khách hàng đứng chờ, trong khi chỉ có một người đứng bán thuốc. Kết quả, trong 8 người đến mua thuốc chỉ 1 người được cập nhật thông tin. Anh Phạm Văn Thủy, chủ nhà thuốc Gia Nghĩa cho biết: Đơn vị đã kết nối liên thông với dữ liệu dược quốc gia đến nay gần 2 tháng nhưng vẫn chưa cập nhật hoàn tất dữ liệu vào phần mềm. Việc cập nhật thông tin cá nhân, đơn thuốc của khách vẫn chưa đầy đủ. Vì muốn làm kịp để khách không phải đợi, cửa hàng phải có ít nhất 2 người, một người bán thuốc và người tương tác với phần mềm nhưng hiện nay đơn vị chưa tuyển thêm nhân sự. Mới sử dụng nên vẫn còn một số bất cập. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu hoàn thành cập nhật dữ liệu sẽ giúp nhà thuốc quản lý được hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng...

Không phải “thượng đế” nào cũng dễ tính và hiểu được lợi ích của việc kết nối liên thông dữ liệu dược quốc gia. Chị Lê Thị Khuê, chủ nhà thuốc Hà Mi 1, đường Lê Duẩn, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài cho biết: “Một số khách hàng tỏ vẻ khó chịu khi mua thuốc phải khai thông tin cá nhân, trong khi trước đó chỉ cần mua xong là đi. Chưa kể, nếu khai ra còn ảnh hưởng đến bí mật thông tin cá nhân”.

“Để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như siết chặt việc quản lý cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo thẩm quyền. Sở Y tế sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của các nhà thuốc, quầy thuốc không kết nối liên thông. Đồng thời, tăng cường truyền thông đến người dân và các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn về lợi ích của việc thực hiện kết nối, sử dụng phần mềm trong quản lý hoạt động kinh doanh của các cơ sở cung ứng thuốc” - ông Văn Thanh Bình khẳng định.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
94553

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu