Thứ 5, 25/04/2024 18:53:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 11:08, 01/05/2014 GMT+7

Bến xe quá tải trong ngày 30-4

Thứ 5, 01/05/2014 | 11:08:00 287 lượt xem

Khoảng 7 giờ, sáng 30-4, tại hai bến xe miền Đông và miền Tây TPHCM, lượng khách tập trung rất đông, bến xe đã không đủ phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Nhiều hành khách đến bến xe từ 7 giờ sáng nhưng đến 11 giờ vẫn không mua được vé xe đi Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Lạt…

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc bến xe miền Đông cho biết, do lượng hành khách tập trung về bến cùng một lúc quá đông, bến tăng cường xe trên các tuyến đến gần 12 giờ đêm mới giải quyết hết khách trong ngày 29-4. Ngày 30-4, bến tăng cường thêm 33 xe buýt để giải tỏa hành khách, do xe trong bến chỉ còn 100 chiếc, vì xe quay đầu không kịp nên bến xe miền Đông không đủ xe để vận chuyển hành khách.


Kẹt xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM đoạn trước Bến xe miền Đông sáng 30-4

Theo Trung tâm điều độ bến xe miền Đông, do kẹt xe nên xe về không kịp để đón khách. Nhiều xe phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới ra khỏi khu vực TPHCM, bình thường tuyến này chỉ mất hơn 1 giờ. Đến cuối ngày 30-4, bến xe miền Đông đã xuất bến khoảng 1300 xe chở khoảng 36.000 hành khách và phải tăng cường đến hơn 40 xe buýt để giải tỏa khách.

Tương tụ tại bến xe miền Tây từ 6 giờ đến 13 giờ 30 ngày 30-4, hành khách chen kín xếp hàng chờ mua vé về các tỉnh miền Tây. Tại các quầy bán vé về các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... đông nghẹt người. Khu vực doanh nghiệp vận tải tự bán vé, hàng trăm khách chen chúc trước các quầy vé, đông nhất là trước hai quầy bán vé của hai hãng xe Phương Trang và Mai Linh. Khu vực trước các cổng bến xe, lượng xe ra vào tấp nập. 

Hành khách đứng dọc đường Kinh Dương Vương để đón xe từ trong bến ra. Chủ yếu các tuyến có cự li gần như Long An, Bến Tre, Tiền Giang… Lượng xe từ bến đổ ra nườm nượp nhiều lúc gây kẹt xe cục bộ. Đã xảy ra tình trạng xô đẩy. Nhiều hành khách đứng chờ từ sáng sớm đến trưa vẫn không mua được vé. Bến đã tăng cường 67 xe buýt nhằm giải tỏa lượng khách ứ đọng tại bến.


Đông đảo người dân xếp hàng mua vé tại Bến xe miền Tây vào sáng 30-4

Từ sáng sớm đến 12 giờ trưa ngày 30-4, nhiều nơi trên địa bàn TPHCM đã xảy ra kẹt xe do du khách đi chơi lễ, nhất là tại các bến xe, bến phà và các điểm vui chơi. Khu vực kẹt xe trầm trọng nhất là tuyến xa lộ Hà Nội khu vực Suối Tiên. ô tô và xe gắn máy ùn tắc kéo dài hàng cây số. Từ bến xe miền Đông đến cầu vượt Ngã tư Thủ Đức phương tiện lưu thông quá đông khiến xe cộ lưu thông rất chậm. Tương tự, trên tuyến QL1, nhất là khu vực ngã tư cầu Vượt Gò Dưa tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài.

Phá Cát Lái kẹt xe kéo dài hàng km suốt 5 giờ liền (từ hơn 7 giờ đến 12 giờ ngày 30-4). Theo Ban Giám đốc Xí nghiệp phà Cát Lái, bến đã huy động 6 phà để giải tỏa khách. Tuy nhiên, do bến phà chỉ có 2 phà 100 tấn và 4 phà 60 tấn nhỏ không đáp ứng yêu cầu nên đã  xảy ra ùn ứ khách ở bến phà. Đến 12 giờ trưa cùng ngày bến phà mới giải tỏa được lượng khách ứ đọng. 

Tương tự, phà Bình Khánh (Cần Giờ), hàng ngàn người đi xe gắn máy và ô tô đã xếp hàng chờ khoảng 3 giờ mới được lên phà. Có khoảng 41.000 khách đi lại ở bến phà Bình Khánh (Nhà Bè - Cần Giờ) tăng khoảng 10% so với dịp lễ năm trước.

Sáng 30-4, giao thông tại Hà Nội tiếp tục căng thẳng. Các tuyến đường cửa ngõ thủ đô đều rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài khi dòng phương tiện từ nội thành ùn ùn đổ ra ngoài thành phố ngay trong cơn mưa tầm tã đầu giờ sáng. Trên tuyến QL5, mật độ phương tiện tăng dần từ khoảng 8 giờ, ùn tắc cục bộ đã xảy ra tại khu vực giao cắt giữa QL5 với QL1, đường dẫn từ cầu Vĩnh Tuy xuống QL5, kéo dài đến thị trấn Trâu Quỳ. Tương tự, QL2 đi Vĩnh Phúc, QL3 cũ đi Thái Nguyên, QL6 đi các tỉnh phía Tây Bắc… đều có mật độ phương tiện rất đông. Tuy nhiên, sự ùn tắc nóng bỏng nhất là QL1 đi các tỉnh phía Nam. 

Không chỉ nóng bỏng ở các tuyến đường cửa ngõ, các bến xe lớn của Hà Nội cũng trở nên quá tải trong sáng 30-4. Dòng người chật kín và chen lấn ở hầu hết các quầy bán vé. Tại khu vực nhà chờ, hành khách nằm ngồi la liệt chờ xe, trong đó nhiều tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa nhiều thời điểm bị thiếu phương tiện, hành khách phải chờ 2-3 tiếng mới được lên xe. Theo phản ánh của hành khách, nhiều xe đều rời bến trong tình trạng đầy tải nhưng vẫn tiếp tục bắt thêm khách dọc đường.

Nguồn SGGP 

  • Từ khóa
48970

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu