Thứ 6, 29/03/2024 01:54:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:25, 02/01/2016 GMT+7

Ấm áp nghĩa tình đồng hương nơi biên giới

Thứ 7, 02/01/2016 | 07:25:00 549 lượt xem
BP - Ngày 1-1 hằng năm, Hội đồng hương làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lại về họp mặt để cùng ôn lại truyền thống quê hương, tặng học bổng cho con em học giỏi. 35 năm lấy biên giới Lộc Ninh làm quê hương thứ 2, đã có nhiều tấm gương con cháu với lòng tự hào truyền thống làng Câu Nhi vươn lên thành đạt và sẵn lòng góp sức giúp đỡ những mảnh đời gian khó.

TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG

Ông Lê Chí Tân (70 tuổi) ở ấp 5B, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh), Chủ tịch Hội đồng hương làng Câu Nhi tự hào có quê hương nằm bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng. Làng Câu Nhi được hình thành khoảng 600 năm về trước. Lúc mới lập làng có 12 họ, nay tăng lên 21 họ tộc. Qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn, Mạc, làng Câu Nhi đều sinh ra nhiều nhân vật lịch sử có tên tuổi như tướng quân Phạm Duyến; Ủy Lạc sứ Nguyễn Chánh; Đô đốc Hoàng Phúc; Thượng thư Bùi Văn Tú, Nguyễn Tăng Doãn... Quê hương làng Câu Nhi từ xưa đến nay có khoảng 20 tiến sĩ, bác sĩ, hàng trăm cử nhân... và cố nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

Họp mặt đồng hương làng Câu Nhi năm 2009

Ông Tân kể, 35 năm trước (1981) người làng Câu Nhi cùng hàng trăm gia đình ở Trị - Thiên vào biên giới Lộc Ninh lập nghiệp theo chương trình tuyển dụng công nhân của Công ty cao su Lộc Ninh. Nơi tập kết của những người con làng Câu Nhi là xã biên giới Lộc Tấn, nằm dọc theo tuyến QL13 nối với cửa khẩu Hoa Lư và Chiu Riu. Lúc đó vào đúng mùa khô, trên vùng đất đỏ bazan Lộc Tấn khác nhiều với quê hương ông, bởi cái nắng khô rát của miền biên thiếu sông suối. Hằng ngày, những hộ “tân” công nhân cao su sống nhờ vào nước của xe nông trường chở đến. Theo đó, lương thực, thực phẩm cũng trong dạng cấp phát.

Cuộc sống ban đầu nhiều khó khăn, gian khổ nhưng những người con của làng Câu Nhi luôn tự hào truyền thống cần cù lao động để có của cải vật chất, đầu tư cho con em học tập thành tài. Điển hình, anh em ông Lê Thanh Tú, Tổng giám đốc Công ty cao su Phú Riềng; anh Hà Thạch Hãn, Tổng thư ký Báo Tuổi Trẻ; anh Lê Chí Nguyện, chuyên gia ngành kiểm toán; bác sĩ Toàn Duy (Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh)... Hội đồng hương làng Câu Nhi có 100 hội viên với 3 tổ, trong đó 19 hội viên có 1-3 con đại học, 33 cử nhân, 3 thạc sĩ, 1 bác sĩ và hàng trăm cháu đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Những gia đình hiếu học như: ông Phan Hồng, bà Nguyễn Thị Hưu, ông Lê Chí Tân. 

NGHĨA TÌNH ĐỒNG HƯƠNG

Ông Tân nhớ như in ngày đoàn xe đưa hàng trăm gia đình quê Trị - Thiên vào Lộc Ninh, trong đó có người làng Câu Nhi. Đó là ngày 21-12 (âm lịch), trước tết Nguyên đán 9 ngày và là thời khắc các gia đình chuẩn bị đưa ông Táo về trời thì nỗi nhớ quê hương càng da diết.

Năm 1985, xảy ra chuyện buồn là cô Nguyễn Thị Biền, đảng viên, thủ quỹ của nông trường bị tai nạn lật xe chấn thương sọ não phải đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh chữa trị. Vợ chồng cô Biền lúc này có 3 con nhỏ. Khi cô Biền đang hấp hối ở bệnh viện thì cũng là lúc anh Nguyễn Hùng Cường (chồng cô) phải về quê vì bố mất. Trước tình cảnh đó, ông Nguyễn Đức Tu, Tổ trưởng Đảng của nông trường đã đứng ra vận động anh em trong nông trường góp tiền, công lo đám tang cô Biền trọn vẹn. Xa quê, nghĩa tình quê hương càng trở nên tha thiết.

Những năm 1990, người làng Câu Nhi trên biên giới Lộc Ninh mong muốn thành lập hội đồng hương để động viên và giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.

Tuy đến cuối năm 2011, huyện Lộc Ninh mới có quyết định cho thành lập hội đồng hương nhưng người làng Câu Nhi trong suốt 30 năm xa quê đã có mối gắn bó bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp nhiều gia đình, con em vượt lên gian khó. Từ khi thành lập hội đến nay, người làng Câu Nhi đã tổ chức họp mặt 5 lần và phát thưởng cho con em học giỏi từ năm học 2011-2012. Hội vận động 9,5 triệu đồng, 800 cuốn tập phát thưởng cho con cháu học giỏi. Thăm hội viên ốm đau 26 suất quà (100 ngàn đồng/suất); tổ chức thăm điếu 5 hội viên qua đời. Trợ cấp gia đình hội viên khó khăn hộ ông Hoàng Tấn Song (500 ngàn đồng); tặng học bổng cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật... Đến nay, quỹ hội viên đóng góp được 28 triệu đồng.

Không hình thức mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hoạt động của Hội đồng hương làng Câu Nhi đã gắn kết nghĩa tình quê hương trên biên giới Lộc Ninh.

Phương Hà

  • Từ khóa
53197

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu