Thứ 5, 28/03/2024 16:26:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:19, 14/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất

Thứ 4, 14/01/2015 | 13:19:00 1,745 lượt xem
BP - Về việc hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản là đối tượng của hợp đồng bị mất, hư hỏng, tại Khoản 1, Điều 451 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: Khi người có quyền hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp người có nghĩa vụ làm mất, hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể bồi hoàn hay đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, cải tạo, thay thế bằng tài sản cùng loại thì sẽ mất quyền hủy bỏ hợp đồng.
LTS: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gồm 712 điều được chia thành 6 phần. Ít hơn 65 điều so với Bộ luật Dân sự hiện hành, trong đó có 265 điều của bộ luật năm 2005, sửa đổi gần 300 điều, bổ sung hơn 170 điều và bãi bỏ 150 điều... Nhằm phát huy trí tuệ của toàn dân trong việc đóng góp ý kiến sửa đổi Bộ luật Dân sự, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg. Theo đó, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi được bắt đầu từ ngày 5-1 đến 5-4-2015. Ba đầu mối tổ chức tiếp nhận góp ý của nhân dân là Chính phủ, UBND; Ủy ban Trung ương MTTQVN; TAND tối cao và Viện KSND tối cao. Để tạo thuận lợi cho nhân dân trong tỉnh và bạn đọc góp ý kiến, từ số này Báo Bình Phước sẽ mở chuyên mục: “Ý kiến đóng góp sửa đổi Bộ luật Dân sự”. Và Tòa soạn rất mong sớm nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Với nội dung của Khoản 1 nêu trên, tôi thực sự bất ngờ về sự rối rắm của điều luật và nội dung rất khó hiểu. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì nội dung của Khoản 1, Điều 451 sẽ được hiểu là: Người có quyền trong hợp đồng dân sự sẽ mất quyền hủy bỏ hợp đồng nếu như người có nghĩa vụ “làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể bồi hoàn hay đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, cải tạo, thay thế bằng tài sản cùng loại”. Nếu thực sự điều luật được hiểu theo cách diễn đạt này thì đây là một quy định quá vô lý. Tại sao người có quyền trong hợp đồng lại không thể hủy bỏ hợp đồng nếu như đối tượng của hợp đồng không còn tồn tại hay bị làm hư hỏng mà không thể khắc phục được hoặc không bù đắp hay thay thế bằng một tài sản khác được? Và đây chính là sự bất cập của điều luật.

Ví dụ, tôi mua một chiếc xe honda nhưng chiếc xe này đã bị hỏng trước khi giao cho tôi và người bán lại không hề hay biết và cũng không thể thay thế bằng một chiếc xe khác thì tôi không có quyền được hủy bỏ hợp đồng đó sao? Vậy biện pháp giải quyết hữu hiệu cho trường hợp này là gì? Một là, tôi phải chấp nhận thanh toán số tiền tương ứng với một chiếc xe mới để lấy về một chiếc xe đã hỏng(?) Hai là, trong trường hợp điều luật trên được hiểu rằng: Nếu người có quyền đã hủy bỏ hợp đồng rồi thì sẽ mất quyền hủy bỏ hợp đồng. mà quy định như vậy thì chẳng khác nào “huề vốn”. Tôi hủy bỏ hợp đồng rồi thì đương nhiên sẽ không còn hợp đồng hủy bỏ, huống chi nói đến chuyện có quyền hay không có quyền.

Từ phân tích trên, tôi đề nghị trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi cần điều chỉnh lại Khoản 1, Điều 451 để thể hiện rõ hơn ý định lập pháp và đồng thời để người đọc hiểu rõ hơn bản chất điều luật.

Lg: Trọng Đức

  • Từ khóa
12442

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu