Thứ 6, 29/03/2024 05:05:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:20, 22/12/2014 GMT+7

Ấm áp nghĩa tình

Thứ 2, 22/12/2014 | 09:20:00 133 lượt xem
BP - Bà Hà Thị Lạ (1935), dân tộc Tày, xã Nông Hạ, huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Trước đây, bà là thanh niên xung phong, thuộc đơn vị C208. Ngày 3-3-1963, bà vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1966, bà kết hôn với ông Nông Văn Tiệu, người cùng quê. Khi cả nước sục sôi cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, năm 1968, chồng bà lên đường nhập ngũ.

CON KHÔNG BIẾT MẶT CHA

Kết hôn được 1 năm, bà sinh con trai đầu lòng. Ngày ông lên đường nhập ngũ, bà chưa biết mình đang mang thai người con thứ hai. Năm 1969, ông được nghỉ phép về thăm gia đình, lúc đó chị Nông Thị Tươi mới ra đời được 10 ngày. Trở lại quân ngũ sau những ngày phép ngắn ngủi, trong lòng người lính Cụ Hồ ngập tràn niềm vui vì có thêm người con và được gặp mặt gia đình. Nhưng không ngờ đó là lần cuối ông gặp mặt những người thân yêu.

Chị Nông Thị Tươi bế mẹ đi khám bệnh

Ngày 30-12-1973, bà Lạ nhận được giấy báo tử của chồng có nội dung ngắn gọn: “Đồng chí Nông Văn Tiệu, sinh năm 1939, cấp bậc binh nhất, xã Nông Hạ, huyện Phú Lương (tỉnh Bắc Thái), đơn vị KH, đã hy sinh ngày 27-1-1971 tại chiến trường phía Nam vì sự nghiệp chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc...”.

Chị Nông Thị Tươi tiếp lời mẹ: “Tôi không biết mặt cha thế nào. Ký ức về cha chỉ qua lời kể của mẹ”. Thương hai con còn nhỏ, bà Lạ không đi bước nữa để lo cho con và giữ trọn lòng thủy chung với người chồng đã hy sinh vì Tổ quốc. Ba mẹ con bà gắng gượng để sống. Ngày 7-12-1985, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Tiếp đó, ngày 25-3-2000, bà được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng kỷ niệm chương thanh niên xung phong.

NGHĨA TÌNH Ở QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

Năm 2012, bà và các con vào thôn 3, xã Thống Nhất (Bù Đăng) làm kinh tế. Trên quê hương mới, cái khó vẫn đeo bám gia đình bà.

Bước ra từ chiến tranh, những người lính Cụ Hồ, những cô thanh niên xung phong mong muốn xây dựng cuộc sống gia đình và góp phần phát triển quê hương, đất nước. Nhưng không phải ai cũng được trở về sau ngày đất nước thống nhất, hoặc vì cuộc sống khó khăn, bệnh tật mà những ước mơ giản dị đó đành phải gác lại, trong đó có cựu thanh niên xung phong Hà Thị Lạ.

Chị Tươi cho biết: “Mẹ bị tai biến hơn 1 năm nay, liệt nửa người bên phải, hiện chỉ còn một tay bên trái cử động được. Mọi sinh hoạt cá nhân như ăn uống, vệ sinh phải có người giúp đỡ. Cuộc sống vốn đã khó lại càng khó hơn. Khoản tiền trợ cấp hàng tháng cho vợ liệt sĩ không đủ lo tiền thuốc cho mẹ”. Hiện bà Lạ đang ở với gia đình con trai. Nhà làm rẫy, kinh tế khó khăn, nuôi hai con ăn học nên con trai chăm sóc mẹ già không được trọn vẹn.

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Gia đình bà Hà Thị Lạ rất khó khăn. Tuy có chế độ gia đình liệt sĩ, nhưng tuổi già đau ốm nên không đủ trang trải cuộc sống. Trước hoàn cảnh của gia đình bà, ông Bùi Văn Sâm ở thôn 9 cùng xã đang hỗ trợ 10kg gạo/tháng từ năm 2012 đến nay. Thôn, xã cũng thường xuyên hỗ trợ và vận động các hội, đoàn thể quan tâm chia sẻ với gia đình. Ngày 6-12 vừa qua, bà được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam và Ban vận động thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh tặng sổ tiết kiệm 3 triệu đồng.

Xúc động trước những nghĩa tình của người trong xã và sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà Lạ chia sẻ: “Sự giúp đỡ của xóm làng, cộng đồng xã hội đã làm gia đình tôi vơi bớt khó khăn và nỗi nhớ quê nhà, vì ở đây tình người luôn ấm áp”.                             

Ngọc Bích

  • Từ khóa
50515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu