Thứ 6, 29/03/2024 13:00:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 16:14, 30/01/2020 GMT+7

Hội xuân trên quê hương Bình Phước

Cẩm Liên - Viết Bằng
Thứ 5, 30/01/2020 | 16:14:00 617 lượt xem
BPO - Hằng năm cứ đến mồng 4 tết, đồng bào Tày, Nùng tại ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú lại xúng xính váy áo mới tham gia lễ hội lồng tồng chào đón 1 năm mới may mắn, bình an, mưa thuận gió hòa, làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Qua đó, những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng tiếp tục được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

Ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến có 328 hộ, trong đó 294 hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Ngay từ sáng sớm mồng 4 tết, trong khuôn viên sân nhà văn hóa cộng đồng ấp Suối Đôi đã đông cụ già, trẻ nhỏ và nam thanh, nữ tú tập trung. Họ cùng quây quần, tề tựu về “ngôi nhà chung” gặp gỡ, hò hẹn, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể thao và cùng chia sẻ niềm vui của lễ hội, nghi thức truyền thống trong hội tung còn, các trò chơi dân gian như lày cỏ, đấu cù, nhảy bao bố...

VANG MÃI ĐIỆU THEN

Đến vui xuân tại Suối Đôi, từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng hát then ngọt ngào xen lẫn những nốt trầm bổng của đàn tính giữa bạt ngàn vườn điều đang tỏa hương đón mùa mới. Với đồng bào Tày, Nùng, then không chỉ là tín ngưỡng cầu an, may mắn mà còn gắn với sinh hoạt cộng đồng. Hát then như là nốt nhạc giao duyên, không gian văn hóa - văn nghệ hẹn hò để nam nữ tìm đôi lứa. Ngày nay, cuộc sống kinh tế thị trường chi phối, đồng bào Tày, Nùng xa xứ không duy trì được nguyên vẹn nhưng vẫn cố gắng giữ hồn cốt của làn điệu đặc trưng để điệu then mãi ngân vang.

Đàn tính, hát then là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong hội xuân đầu năm của đồng bào Tày, Nùng ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Cụ Lương Thị Tốc năm nay 82 tuổi vẫn đến nhà văn hóa cộng đồng ấp Suối Đôi từ sớm để chung niềm vui đầu xuân với con cháu. Cụ không chỉ xem hội mà trực tiếp hát then “truyền lửa” cho các thế hệ con cháu Tày, Nùng xa xứ. Cụ Tốc chia sẻ: Dù lưng đã còng, tóc bạc nhưng tôi vẫn không quên những điệu then được truyền dạy từ nhỏ. Tham gia hội lồng tồng, tôi được nghe và hát điệu hát truyền thống của dân tộc. 

Với việc duy trì và phát huy làn điệu then của dân tộc, đồng bào Tày, Nùng ở xã Đồng Tiến đa đoàn kết, tập hợp để thành lập Câu lạc bộ (CLB) đàn tính hát then. Bên cạnh những người già hoài niệm làn điệu then của dân tộc, CLB còn kết nạp thêm nhiều thành viên trẻ đam mê, yêu mến điệu then. Bà Triệu Thị Bường, Phó chủ nhiệm CLB đàn tính hát then Đồng Tiến, cho biết: Hiện nay, CLB có 24 thành viên, trong đó người lớn tuổi nhất là 66 và nhỏ tuổi nhất 11. Dù chưa phát triển rầm rộ như ở miền Bắc, nhưng CLB đàn tính hát then xã Đong Tiến cũng đã gìn giữ được 60% với các điệu then giao duyên, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; then phong sư; các điệu pựt lằn, điệu giá hai, nàng ới... CLB không chỉ phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần cho đồng bào trong vùng mà còn trở thành đội văn nghệ chủ lực của huyện Đồng Phú và tham gia giao lưu rộng rãi trong, ngoài tỉnh.

Tại lễ hội mừng Đảng, mừng xuân Canh Tý 2020, các thành viên nam nữ CLB đàn tính hát then xã Đồng Tiến (phần lớn thành viên là con em của đồng bào ở ấp Suối Đôi) mang tới những lời ca giàu sắc xuân tươi mới, dịu dàng và gửi gắm nhiều điều may mắn, trong lành của mùa xuân.

SÔI NỔI HỘI TUNG CÒN

Ông Đặng Văn Truyền, Bí thư Chi bộ, Trưởng ap Suối Đôi, cho biết: Hằng năm, lễ hội lồng tồng được tổ chức với mục đích giúp người Tày, Nùng xa quê vẫn được vui chơi các hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền thống của đồng bào mình. Lễ hội lồng tồng hay còn gọi lễ xuống đồng, là hoạt động tín ngưỡng dân gian gắn liền với nông nghiệp của đồng bào Tày. Đây là dịp để đồng bào cầu các vị thần linh che chở để có 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, cuộc sống ấm no.

Trong nhiều trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Tày, Nùng không thể thiếu hội tung còn. Đây là phong tục truyền thống của người Tày, Nùng với ý nghĩa phồn thực, giao hòa âm dương, cầu mong 1 năm mưa thuận gió hòa, người người gặp nhiều may mắn.

Đồng bào Tày, Nùng ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) xúng xính trong bộ áo mới chơi hội tung còn đầu xuân

Chính giữa sân nhà văn hóa cộng đồng ở ấp Suối Đôi dựng 1 cây còn được cải tiến bằng kim loại cao chừng 20-30m, trên ngọn cây còn được uốn hình vòng cung có dán giấy... để người chơi tung còn vào vòng tròn đó. Ông Lục Thượng Hằng, già làng tiêu biểu, người có uy tín xuất sắc ở ấp Suối Đôi, cho biết: Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, khung còn 1 mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt kia dán giấy vàng biểu tượng cho mặt trăng. Từng cặp người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, khi ném còn trúng và đi qua vòng còn trên đỉnh cột sẽ thắng cuộc và được nhận lì xì của ban tổ chức. Quả còn chính là ước mơ của người dân về những hạt giống sẽ đơm hoa, kết trái. Dây còn với những tua rua sắc màu chính là những tia nắng, tia mưa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Bên cạnh đó, quả còn được tung bay cao mang đi những rủi ro, héo úa của cây trái và đón quả còn với những may mắn, tốt đẹp, tươi xanh phúc lộc của 1 năm thịnh vượng...

Do cuộc sống đổi thay trên vùng đất kinh tế mới, chúng tôi cải biến lễ hội lồng tồng thành hội mừng Đảng, mừng xuân nhưng quy cách, lễ nghi, trò chơi cơ bản được giữ nguyên. Qua đó, chúng tôi mong muốn những truyền thống của đồng bào Tày, Nùng mãi được gìn giữ, lưu truyền rộng rãi trong các thế hệ và nhiều đồng bào anh em được biết đến. Mỗi khi nghe nhắc về đàn tính hát then, hội ném còn, lày cỏ, chọi cù..., người người sẽ biết đó là văn hóa đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng.

Ông Đặng Văn Truyền, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Suối Đôi

Cầm trong tay bao lì xì đỏ vừa được ban tổ chức trao thưởng khi tung còn trúng hồng tâm, thanh niên Đặng Ích Lợi, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh vui mừng nói: Sinh ra trên đất Bình Phước nhưng em được ba mẹ dẫn đi hội xuân nhiều năm và lần nào cũng tham gia hội tung còn. Em rất vui khi lễ hội truyền thống của đồng bào mình vẫn luôn được gìn giữ và duy trì. Em sẽ cố gắng tuyên truyền rộng rãi những nét đẹp truyền thống của đồng bào Tày tới bạn bè ở trường đại học và thanh niên trong khu vực.

  • Từ khóa
94169

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu