Thứ 6, 29/03/2024 06:43:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:38, 22/06/2019 GMT+7

Hội LHPN tỉnh đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thứ 7, 22/06/2019 | 08:38:00 1,109 lượt xem
BP - Ngày 20-6, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành, Câu lạc bộ Nữ trí thức cùng lãnh đạo hội LHPN các huyện, thị, thành phố, lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Trên cơ sở gợi ý thảo luận của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, đã có 13 đại biểu tham gia ý kiến, trong đó có những chị có ý kiến nhiều lần để làm rõ vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận.

Nhà nước phải bảo vệ sức khỏe của số đông người lao động, bảo vệ giống nòi chứ không thể “chạy theo” một nhóm nhỏ!

Công nhân nhà máy giày da Thái Bình (Đồng Xoài) trong giờ làm việc (ảnh minh họa) -  K.B

Đó là ý kiến của chị Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chơn Thành khi phản biện lại ý kiến cho rằng: Nhu cầu làm thêm giờ của người lao động để tăng thu nhập rất lớn; thực tế có người làm thêm tới 1.300 giờ/năm. Theo chị Hậu, nếu luật quy định giờ làm thêm không quá 400 giờ/năm, quy ra giờ hành chính là 50 ngày thì rất nhiều lao động, trong đó có lao động nữ sẽ không nhìn thấy ánh mặt trời. Đúng là nhiều công nhân, lao động có nhu cầu làm thêm giờ để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và tích lũy nhưng ngành lao động - thương binh và xã hội, liên đoàn lao động cũng cần khảo sát xem chất lượng cuộc sống của họ ra sao. Nếu vắt kiệt sức lao động trong các nhà xưởng nóng bức 10 tiếng đồng hồ, thậm chí 12 tiếng mỗi ngày thì họ đâu còn sinh lực để tạo ra những đứa con khỏe mạnh và chăm sóc gia đình. Khi đó, những đồng tiền họ kiếm được từ việc cật lực làm thêm lại đi “nuôi” bác sĩ mà thôi. Vì thế, trách nhiệm của Nhà nước là phải điều tiết thời gian làm việc tối đa trong ngày của người lao động cho phù hợp trên cơ sở các yếu tố về sức khỏe, môi trường, bảo hộ lao động và tài chính để bảo vệ sức khỏe của số đông người lao động; cao hơn nữa là bảo vệ nòi giống người Việt chứ không thể “chạy theo” một nhóm nhỏ.

CẦN LÀM RÕ THUẬT NGỮ TRONG QUY ĐỊNH VỀ TỘI QUẤY RỐI TÌNH DỤC

Có 3 ý kiến đề nghị dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần làm rõ ngữ nghĩa của thuật ngữ quấy rối tình dục. Dự thảo quy định “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là tất cả các hành vi có bản chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”. Để mọi người dễ hiểu, chị Nguyễn Thị Thục Chinh, Chủ tịch Hội LHPN Bộ CHQS tỉnh lấy 2 ví dụ: Trong đơn vị có một nam quân nhân trẻ, nếu tôi cứ gạ bạn ấy (bằng lời nói) đi cà phê và ở lại qua đêm với tôi, dù bạn ấy đã thẳng thừng từ chối thì đó có phải hành động quấy rối tình dục không? Trường hợp khác: có một người đàn ông không đụng chạm vào người tôi nhưng cứ hằng ngày lẵng nhẵng đi theo tôi, rủ tôi vào nhà nghỉ với anh ta thì có được xem là hành vi quấy rối tình dục không?

Và chị Chinh kết luận: Quấy rối tình dục không chỉ là hành vi đụng chạm vào cơ thể người khác mà không được mong muốn hoặc chấp nhận mà còn là những lời nói, cử chỉ khiếm nhã hướng đến nhục dục khiến đối phương xấu hổ hoặc sợ sệt.

ĐA SỐ PHỤ NỮ KHÔNG MUỐN KÉO DÀI THỜI GIAN NGHỈ HƯU

Hầu hết các ý kiến liên quan đến việc kéo dài thời gian nghỉ hưu (nam 65, nữ 62 tuổi) đều cho rằng trừ số ít phụ nữ làm việc trong môi trường thuận lợi, thu nhập ổn định hoặc cao, còn đa số muốn thực hiện như cũ. Tuy nhiên, vấn đề này đã được quyết định bằng Nghị quyết số 28-NQ/TW để phù hợp với việc tăng tuổi thọ bình quân và chính sách bảo hiểm nên tất cả ý kiến đều đồng thuận phương án 1, tức từ năm 2021 tăng 3 tháng với nam và tăng 4 tháng với nữ.

Tuy nhiên, các ý kiến đều đề nghị Chính phủ có quy định linh động, phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù như giáo viên, người lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm...

T.L

  • Từ khóa
28581

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu