Thứ 6, 29/03/2024 14:38:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:05, 07/06/2018 GMT+7

Hồ tiêu và con đường dẫn dắt thị trường thế giới - Bài 2

Thứ 5, 07/06/2018 | 06:05:00 183 lượt xem
BP - Hồ tiêu Việt Nam đã dẫn dắt thị trường với khoảng 55% sản lượng và 60% thị phần thế giới nhiều năm qua. Song thời điểm này đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ngành hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Vị cay của hồ tiêu đã ngấm vào đời sống của hàng ngàn nông hộ.

>> Bài 1: Ranh giới giữa tỷ phú và tay trắng

VỊ CAY Ở VỰA TIÊU

Cái nắng cuối mùa khô trên vùng đất biên giới xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp như chảo lửa trùm lên những vườn tiêu hiu hắt đến trơ trọi. Thế nhưng, sự oi bức của nắng nóng lên đến cực điểm vẫn không thấm vào đâu so với cõi lòng của người trồng tiêu ở đây. Hàng trăm héc ta tiêu chết khô khiến nhiều nông hộ đứng trước nguy cơ nợ chồng lên nợ. Đi bất cứ ngõ ngách nào trong thôn, ấp của các xã trên địa bàn huyện Bù Đốp những ngày này cũng dễ dàng bắt gặp quảng cáo trên bờ rào với nội dung cho vay đáo hạn ngân hàng.

HỒ TIÊU VỠ VỤN

3 năm trước, giá hồ tiêu dao động từ 150-200 ngàn đồng/kg, ông Bùi Quang Cảnh ở ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp không ngần ngại đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng nhà Thái cho gia đình sau nhiều năm tích lũy từ canh tác hồ tiêu. Thế nhưng sau 1 năm, ngôi nhà của ông chưa kịp hoàn thiện phần sơn nước thì giá hồ tiêu trên thị trường bắt đầu lao dốc. Từ 200 ngàn đồng/kg rớt xuống 150 ngàn đồng, rồi tiếp tục rớt xuống dưới 100 ngàn đồng/kg. Hy vọng giá hồ tiêu sẽ sớm phục hồi, ông Cảnh ra Ngân hàng chính sách xã hội vay 120 triệu đồng để hoàn thiện căn nhà và tái đầu tư vườn tiêu, đồng thời lo cho 2 con đang học đại học. Ông không ngờ niên vụ 2017-2018, giá hồ tiêu rớt xuống còn 55-60 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, sự bất ngờ đó vẫn chưa làm ông bàng hoàng bằng tình cảnh vườn tiêu của gia đình từ màu xanh bỗng ngả sang vàng úa. Để cứu vườn tiêu 1,3 ha, gia đình ông mua hết 50 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật nhưng 1.500 trong tổng số 2.500 nọc tiêu 5 năm tuổi vẫn cứ héo úa rồi lụi tàn trong nắng nóng giữa mùa khô 2018. Cạnh vườn tiêu của gia đình ông Cảnh, cả 2.500 nọc tiêu bước vào năm thứ 4 của hộ bà Trần Thị Hạnh cũng chết rụi.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (bên phải) kiểm tra hiện trạng tiêu chết hàng loạt tại vườn của hộ ông Bùi Quang Cảnh ở ấp Tân Đông

Ông Ngô Minh Hùng theo cha trồng tiêu từ thuở học trường làng ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành, đến nay đã hơn 30 năm gắn bó với hồ tiêu. Thế nhưng ông vẫn không tìm được câu trả lời tại sao 1.300 nọc tiêu từ 4-6 năm tuổi của gia đình lại chết tức tốc như năm nay. Trước khi 1.300 nọc tiêu bị xóa sổ, gia đình ông đã “đổ xuống” vườn hết 30 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật. Cộng cả tiền phân bón, công chăm sóc thì mức đầu tư cho 1.300 nọc tiêu đã chết không dưới trăm triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Cao Văn Tính cho biết: “Ở Tân Thành gần như nhà nào cũng trồng tiêu. Từ xưa đến nay có nhà nông nào trồng tiêu mà không đi vay ngân hàng đâu. Cả xã bây giờ hiện có 82.945 nọc tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh của 205 hộ rơi vào cảnh không chết nhanh thì chết chậm, không chết vì nắng nóng thì chết vì ngập úng. Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng ngừa sâu bệnh nhưng tiêu chết vẫn cứ chết. Bây giờ chỉ mong ngân hàng khoanh nợ hoặc giảm lãi suất để bà con có điều kiện tái sản xuất”.

HỒ TIÊU MẮC NỢ

1 triệu đồng, nếu quen thì 2.000 đồng/ngày, không quen thì 3.000 đồng/ngày, vay bao nhiêu triệu, bao nhiêu ngày thì nhân lên bấy nhiêu. Đó là quy ước bất thành văn trong cách tính lãi suất của người cho vay đối với nông dân trồng tiêu cần vốn vay nóng để đáo hạn ngân hàng trên địa bàn huyện Bù Đốp. Sau 4 năm vay - trả, trả - vay ngân hàng nông nghiệp, dư nợ của gia đình ông Nguyễn Văn Long từ 250 triệu lên 300 triệu đồng. Khoản nợ ấy chưa tính đến số tiền lãi hằng tháng phải trả cho ngân hàng và tiền lãi bên ngoài mỗi lần vay nóng đáo hạn. Năm 2017, đến kỳ đáo hạn, bỗng dưng ngân hàng nông nghiệp kết sổ cuối năm nên gia đình ông Long phải đợi đến 7 ngày mới hoàn thành thủ tục đáo hạn. Trong 7 ngày chờ đợi ấy, gia đình ông phải trả lãi nóng hết 4 triệu đồng. Trong tâm thức của người dân vùng biên giới huyện Bù Đốp, vay nóng để đáo hạn ngân hàng trở thành chuyện bình thường như nhà nông ra vườn mỗi ngày.

“Tiêu Trung chết từ từ. Tiêu Vĩnh Linh chết một loạt. Khỏi cứu. Thời tiết bây giờ không giống như ngày xưa. Mình trồng thì trồng chứ không biết nó chết lúc nào. Từ hồ tiêu tui chuyển sang trồng điều, rồi cưa điều đổi sang trồng cao su. Mấy năm trước, tiêu có giá nên tui cưa cao su quay sang trồng tiêu. Không hiểu sao 5 sào tiêu đã 6 năm rồi, năm nay bỗng dưng chết sạch. 5 sào đất không trồng tiêu thì không biết trồng cây gì. Nông dân ai mà không nợ ngân hàng, đến hạn thì mình đi đáo hạn. Ngân hàng nào đáo hạn nhanh thì mình vay” - ông Nguyễn Văn Long, ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp nói.

Người trồng tiêu trên địa bàn huyện Bù Đốp nếu trót vay ngân hàng đến kỳ không trả được nợ thì cứ việc vay nóng bên ngoài để đáo hạn. Ai quen thì đáo hạn nhanh, ai không quen thì chấp nhận dăm ba ngày hoặc cả tuần. Tùy theo độ thân quen với ngân hàng hoặc các chủ nợ cho vay bên ngoài mà mức lãi suất được tính cao, thấp khác nhau. Từ bờ rào vườn tiêu cho đến những trụ điện hay nhà văn hóa của thôn, ấp nhan nhản quảng cáo với nội dung cho vay đáo hạn ngân hàng. Chỉ cần một cú điện thoại là có người tìm đến cho vay, thậm chí người vay chỉ cần đến ngân hàng ký tên là xong. Muốn vay bao nhiêu cũng có, miễn diện tích hồ tiêu của người đi vay có giá trị tương đương số tiền vay là được. Thủ tục khá đơn giản, gọn nhẹ. Bởi thế, hầu như người nào trồng tiêu trên địa bàn huyện Bù Đốp cũng muốn vay ngân hàng. Làm nhà mới đi vay. Trồng mới hồ tiêu đi vay. Thiếu tiền đầu tư phân bón hay thuốc trừ sâu cũng đi vay rồi tranh thủ vốn vay để chi phí mọi việc trong gia đình. Mọi khoản nợ ngân hàng đều dựa vào nguồn thu hồ tiêu. Khi tiêu rớt giá thì đáo hạn. Tiêu chết cũng đáo hạn. Thậm chí tiêu được giá, được mùa cũng vay, cũng đáo hạn ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 4-2018, toàn huyện Bù Đốp có 148,94 ha hồ tiêu đã chết  do nhiều nguyên nhân. Số hộ vay nóng với lãi suất từ 2.000-3.000 đồng/triệu đồng/ngày để đáo hạn ngân hàng chưa có cơ quan nào thống kê được. Dịch vụ cho vay càng nhiều, thủ tục cho vay càng đơn giản thì lượng người vay càng đông. Bất chấp diện tích, năng suất, giá trị hồ tiêu đang ở trong tình huống nào, người trồng tiêu vẫn cứ vay ngân hàng. Và như thế, tiêu chết hoặc rớt giá, không chỉ có lãi suất ngân hàng mà cả lãi nóng cho vay đáo hạn song hành đè nặng lên đời sống của người trồng tiêu...

Đông Kiểm

Kỳ sau: Vùng đất hứa

  • Từ khóa
94386

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu