Thứ 6, 19/04/2024 00:45:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:43, 27/03/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Hình thức sở hữu của hộ gia đình

Thứ 6, 27/03/2015 | 10:43:00 5,972 lượt xem

BP - Tại Điều 239 của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi có quy định như sau: 1. Tài sản của các thành viên gia đình gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của bộ luật này, luật khác có liên quan. 2. Tài sản của các thành viên gia đình thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. 3. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của các thành viên gia đình được thực hiện theo thỏa thuận của các thành viên gia đình. Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung hợp nhất được quy định tại bộ luật này, luật khác có liên quan. 4. Việc định đoạt tài sản chung là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự; việc định đoạt tài sản khác do đại diện cho gia đình quyết định. 5. Quy định tại điều này cũng được áp dụng cho sở hữu chung của hộ gia đình.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên vẫn còn một số điểm cần làm sáng tỏ những nội dung sau: Thứ nhất là các quy định của Khoản 1 theo kiểu liệt kê các loại tài sản của hộ gia đình vừa không cần thiết, vừa làm cho vấn đề không rõ ràng, bởi sẽ dẫn đến cách hiểu là chủ sở hữu của quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng... có phải luôn là hộ gia đình? Trong khi đó, bất cứ tài sản nào thì hộ gia đình đều có thể là chủ sở hữu. Thứ hai là quy định ở Khoản 2 chưa phân biệt sự khác nhau hay tính chất đặc thù của sở hữu hộ gia đình với các hình thức sở hữu chung theo phần khác. Theo tôi thì các thành viên hộ gia đình là những người có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng và nếu các chủ thể không có mối quan hệ trên mà có đóng góp tài sản thì cũng không được công nhận là sở hữu chung của hộ gia đình. Thứ ba, tại quy định ở Khoản 3 là căn cứ xác lập quyền sở hữu thì phải tuân thủ theo các căn cứ xác lập quyền sở hữu chung theo phần nói cung được quy định trong Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Ví dụ như tại các khoản 29, 30, Điều 3 Luật đất đai 2013 có quy định: Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó. Theo tôi thì quy định trên là một giải pháp hữu hiệu về vấn đề này trong Bộ luật dân sự, khi chúng ta chưa đưa ra được các tiêu chí để xác định được thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất chung. Bởi lẽ, chủ thể của các giao dịch về quyền sử dụng đất phải là những người có quyền sử dụng đất hợp pháp mới có quyền định đoạt số phận pháp lý của quyền sử dụng đất.

Hơn nữa, tôi cho rằng mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình thì cần phải ghi cụ thể tên của những người được đứng tên chủ quyền đất bên cạnh việc đã ghi tên của người đại diện. Những giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình cần được chỉnh sửa theo hướng ghi rõ các cá nhân là thành viên, nghĩa là ghi đủ tên các thành viên của hộ hoặc ghi một hay một số cá nhân là chủ sử dụng đất thực sự khi có đủ căn cứ chứng minh nguồn gốc đất đó do cá nhân được chuyển nhượng, chia tách hoặc do thừa kế, tặng cho riêng. Với những giấy chứng nhận đang trong quá trình xét, cấp thì chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình khi các thành viên trong hộ sử dụng đất cùng làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ, có xác nhận của UBND xã và ghi nhận đầy đủ tên của các thành viên có quyền.

Nội dung của Khoản 4, Điều 239 là những quy định về quyền được quyết định đối với việc định đoạt tài sản chung trong hộ gia đình và quyền này chỉ thuộc về những người đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo tôi thì quy định này đã vô hình chung xâm phạm đến quyền lợi của những người là thành viên hộ gia đình không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Quyền sở hữu là quyền được pháp luật ghi nhận cho mọi cá nhân không phân biệt các mức độ năng lực hành vi dân sự và khi thực hiện các giao dịch liên quan đến định đoạt phần quyền sở hữu của họ thì họ không được trực tiếp tham gia vào giao dịch nhưng được quyền tham gia một cách gián tiếp thông qua người đại diện theo pháp luật của họ như cha, mẹ, người giám hộ để bảo vệ quyền lợi.

Vì vậy, tôi đề nghị ở điều này cần quy định theo hướng: Nếu các thành viên trong hộ gia đình đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì sẽ trực tiếp ký vào giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, còn những thành viên không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải tham gia thông qua người đại diện theo pháp luật.

Hải Như

  • Từ khóa
12757

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu