Thứ 6, 19/04/2024 20:41:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:36, 25/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Hình thức của hợp đồng dân sự

Thứ 4, 25/02/2015 | 07:36:00 3,511 lượt xem

BP - Về hình thức của hợp đồng dân sự, tại Điều 770 của Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định như sau: 1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam. 2. Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, hình thức hợp đồng về việc chuyển trao quyền sở hữu đối với tài sản cần được xác định theo pháp luật nơi có vật, chứ không phải là pháp luật nơi ký kết hợp đồng. Ví dụ, một người ở nước ngoài bị mất một số tài sản quý hiếm, sau đó tài sản ấy được bán ở Việt Nam; hoặc một người thuê một cái xe ở nước khác, nhưng sau đó mang sang Việt Nam bán hợp pháp theo pháp luật Việt Nam cho một người ở Việt Nam thì trong những trường hợp như vậy, rõ ràng nguyên tắc khởi điểm của pháp luật dân sự từ thời xa xưa bị vi phạm “không ai có thể chuyển giao quyền của mình cho người khác nhiều hơn anh ta có. Hoặc nói một cách ngắn gọn, không ai có thể cho cái mà mình không có”.

Và quan điểm này cũng được áp dụng trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, chẳng hạn như đối với các trường hợp trên, người mua có quyền cho rằng sự mua bán và sự chuyển giao quyền sở hữu được tiến hành theo pháp luật của Việt Nam, không cần phải nghiên cứu kỹ tính chất hợp pháp về địa vị pháp lý của người bán đối với hàng hóa đó. Hơn nữa, lịch sử pháp luật không phải là logic mà là kinh nghiệm, sự mua bán sẽ khó khăn nếu người mua cần phải biết tính hợp pháp về địa vị pháp lý của người bán đối với hàng hóa. Vì vậy, nguyên tắc pháp luật nơi có tài sản cần được xây dựng trên cơ sở thực tế, quyền tài sản cần phải dễ xác định được, phải quy định thế nào để người thứ ba muốn có quyền đối với mội tài sản nào đó không bị ám ảnh bởi việc tài sản đó theo pháp luật nước ngoài là không hợp pháp.

Trong khi đó, với quan hệ về hợp đồng trái vụ, các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng, vì hợp đồng chỉ liên quan tới quyền và nghĩa vụ của các bên, còn việc có quyền tài sản lại có thể liên quan tới nhiều người. Và trong thực tế hiện nay, người ta thống nhất quan điểm là việc chuyển trao động sản hữu hình được điều chỉnh bằng pháp luật quốc gia nơi có tài sản trong thời điểm chuyển giao. Người chủ sở hữu mất quyền của mình đối với tài sản (động sản hữu hình) nếu như nó được chuyển ra nước ngoài và đã được chuyển giao ở đó một cách hợp pháp cho người khác theo pháp luật nước đó.

Địa vị pháp lý đối với động sản hữu hình được thừa nhận trên cơ sở pháp luật của quốc gia nơi có tài sản loại trừ các địa vị pháp lý trước đó và mâu thuẫn với nó không phụ thuộc vào việc theo pháp luật quốc gia nào chúng có. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề xuất nội dung của Điều 770 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: 1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. 2. Hình thức hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của quốc gia nơi có tài sản”. Như vậy, nội dung của điều luật này vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu và sẽ dễ thực thi trong cuộc sống.

Hải An

  • Từ khóa
12623

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu