Thứ 6, 29/03/2024 20:31:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:10, 01/10/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Hiệu ứng từ “khát vọng thoát nghèo” ở Lộc Ninh - Bài 1

Vũ Thuyên
Thứ 5, 01/10/2020 | 14:10:00 648 lượt xem
BPO - Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, giúp các hộ nghèo, cận nghèo khao khát và nỗ lực thoát nghèo, ngày 18-1-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lộc Ninh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/HU về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2018-2020. Theo đó, Huyện ủy tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thiết thực giúp các hộ vươn lên thoát nghèo với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”. Một trong những giải pháp đột phá, hiệu quả nhất, điểm sáng của toàn tỉnh được Huyện ủy thực hiện đó là chương trình “Khát vọng thoát nghèo”.

TẠO DỰNG Ý CHÍ, QUYẾT TÂM CHO HỘ NGHÈO

“Thực trạng hộ nghèo trên địa bàn huyện còn nhiều nên Ban Thường vụ Huyện ủy xác định phải phát động một chương trình nhằm nâng cao nhận thức người dân và cả cộng đồng về việc tự vươn lên thoát nghèo. Mục đích chính của chương trình là đặt hộ nghèo vào trung tâm để chúng ta tác động các nguồn hỗ trợ. Khi hộ nghèo có ý chí, quyết tâm, khát khao vươn lên thoát nghèo thì các chính sách đó mới hiệu quả” - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn nói.

Ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh có phần lớn là đồng bào Khơme nhưng nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên nhận thức của người dân đã thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2020, ấp 4 có 2 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo

Khác với nhiều chương trình giảm nghèo, “Khát vọng thoát nghèo” phần lớn không sử dụng nguồn ngân sách mà vận động xã hội hóa hỗ trợ các nhu cầu thiếu hụt và tặng thưởng 2 triệu đồng khi các hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo để khuyến khích, động viên. Đây được ví như cuộc cách mạng trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo ở huyện biên giới Lộc Ninh.

“Nghèo mãi thì xấu hổ lắm”

“Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên việc viết đơn xin thoát nghèo sẽ mất hết các quyền lợi. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, mình thấy không lẽ cứ mang cái mác hộ nghèo mãi. Mà hộ nghèo thì xấu hổ lắm, phải vươn lên cho bằng người ta chứ” - bà Lê Thị Huệ, ngụ ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn trải lòng. Để có cuộc sống như hôm nay, bà Huệ được sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội nhiều năm qua như xây nhà, tặng bò… Vì thế, dù đã ở tuổi 60, một mình phải nuôi mẹ già 88 tuổi nhưng đầu năm 2020, bà Huệ vẫn tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo và cam kết không tái nghèo.

Ông Phan Ngọc Thành ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh nộp đơn xin thoát nghèo

Chung suy nghĩ với bà Huệ, vợ chồng ông bà Võ Văn Tấn, Nguyễn Thị An, cùng 70 tuổi ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh cũng tình nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đầu năm 2020. Vì theo ông bà, những năm qua đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền các cấp nên không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mãi mà phải tự mình vươn lên để làm gương cho con cháu. “Vợ chồng tôi có 6 người con thì hiện đã lập gia đình và ở riêng. Vì thế, nếu mình không nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thì sao làm gương cho các con được” - bà An nói.

Tạo việc làm cho người nghèo

Ngoài hỗ trợ các nhu cầu thiếu hụt như xây dựng, sửa chữa nhà ở, xây nhà vệ sinh, khoan giếng, kéo điện, hỗ trợ tivi, máy phát cỏ… thì chủ trương của Huyện ủy Lộc Ninh là “trao cần câu, không trao con cá”. Sau khi đã áp dụng các chính sách và kiểm tra, rà soát lại thấy hộ đủ tiêu chuẩn mới cho thoát nghèo. Song song với việc hỗ trợ các nhu cầu thiếu hụt thì công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tạo động lực, niềm tin để người dân khát khao vươn lên thoát nghèo đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Từ đầu năm đến nay, xã Lộc Hưng có 16 hộ/50 hộ làm đơn xin thoát nghèo, trong đó 2 hộ dân tộc thiểu số. Những hộ làm đơn xin thoát nghèo, ngoài được huyện tặng thưởng 2 triệu đồng thì xã vận động hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng để khuyến khích, động viên. Cách làm của xã là tìm mọi giải pháp nâng cao nhận thức của người dân để họ vươn lên thoát nghèo, trong đó tạo việc làm là quan trọng nhất. Khi có việc làm, thu nhập ổn định sẽ tạo động lực cho các hộ vươn lên, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại nữa.
Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng Hà Trương Quyền

Chồng mất sớm vì bệnh hiểm nghèo nên nhiều năm nay, chị Thị Mao (37 tuổi) dân tộc Khơme, ngụ ấp 4, xã Lộc Hưng là hộ nghèo. Nguyên nhân do không có đất sản xuất và việc làm ổn định, một mình phải nuôi 2 con ăn học. Ngoài thường xuyên được quan tâm tặng quà, thẻ bảo hiểm y tế thì chị Thị Mao còn được hỗ trợ bò giống, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh cho vay vốn sửa chữa nhà. Đầu năm 2020, cấp ủy, chính quyền xã đến vận động nên chị Mao đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành. Sau khi có việc làm ổn định, chị đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. “Mình còn trẻ, có sức khỏe, tương lai còn dài mà cứ trong diện hộ nghèo mãi thì thấy hổ thẹn với mọi người lắm. Vì thế, mình phải xin ra khỏi hộ nghèo để tự vươn lên” - chị Thị Mao nói.

Còn gia đình anh chị Vũ Văn Tám, Nguyễn Thị Lê, cùng 47 tuổi, ngụ ấp 3, xã Lộc Hưng cũng tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo sau khi được vận động đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc. “Dù gia đình còn nhiều khó khăn do đang nuôi 3 con ăn học, trong đó con trai đầu 20 tuổi bị bệnh thiếu máu nhưng so với nhiều hộ khác thì vợ chồng tôi may mắn hơn là còn có sức khỏe. Vì thế, vợ chồng tôi đã viết đơn xin thoát nghèo để nhường chính sách lại cho các hộ khó khăn hơn” - chị Lê chia sẻ.

Chưa hết trách nhiệm

Khát vọng được vươn lên thoát nghèo nên dù chồng mất sớm, tuổi cao, sức yếu nhưng bà Huỳnh Thị Kim Liên, 68 tuổi, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn vẫn làm mọi việc để kiếm sống và nuôi 2 cháu nội ăn học. Trước hoàn cảnh éo le và cảm phục ý chí, nghị lực vượt khó của bà Liên, xã Lộc Tấn đã vận động xây tặng căn nhà đại đoàn kết, đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu của bà được ăn học đến nơi đến chốn. Riêng đứa cháu đang học lớp 2, vừa qua được Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh trao 1 suất học bổng trị giá 48,9 triệu đồng. Ngoài ra, Chi bộ, Ban điều hành, Mặt trận ấp Thạnh Đông cũng cam kết thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho gia đình bà.

Những hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo thực sự là tấm gương sáng, động lực cho các hộ khác noi theo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hộ còn khó khăn nên không vì thế mà hết trách nhiệm với họ. Vì khi thoát nghèo, họ mất rất nhiều phúc lợi như bảo hiểm y tế, học phí, quà tặng... Để giúp các hộ thoát nghèo ổn định cuộc sống dài lâu và tránh tái nghèo, huyện đã đề nghị cấp ủy, chính quyền cơ sở phân công cán bộ, đảng viên, hội viên tiếp tục quan tâm, theo dõi, nếu còn khó khăn, thiếu hụt thì vận động xã hội hóa hỗ trợ.

Bà Trần Thị Bích Lệ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh

Tương tự, dù sức khỏe yếu, cảnh “gà trống” nuôi 2 con ăn học nhưng ông Phan Ngọc Thành, 57 tuổi, ngụ ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh vẫn nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Trước ý chí, quyết tâm của ông Thành, sau khi nhận đơn xin thoát nghèo, xã Lộc Thạnh vận động trao 1 suất học bổng cho các con của ông trị giá 1 triệu đồng/tháng; đồng thời UBMTTQVN xã thường xuyên quan tâm, theo dõi và vận động hỗ trợ hộ ông 10kg gạo/tháng…

  • Từ khóa
35262

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu