Thứ 6, 29/03/2024 04:38:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:35, 14/11/2019 GMT+7

Hiệu ứng tích cực từ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Thứ 5, 14/11/2019 | 06:35:00 572 lượt xem
BP - Những năm qua, Trường THPT Hùng Vương, thành phố Đồng Xoài luôn đứng top đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh. Ngoài thành tích xuất sắc về học tập, trường còn chú trọng và đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Việc làm ý nghĩa

Thầy Cao Vũ Mưu, Hiệu trưởng trường cho biết: Hằng năm, trường có trên 1.500 học sinh/40 lớp, trong đó khoảng 75% là con em trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, số còn lại ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Học sinh đông, lại sinh sống ở nhiều nơi với phong tục, tập quán, lối sống, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau. Không ít bộ phận học sinh thiếu tính tự lập, sống ích kỷ, vô tâm, thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân, đắm chìm trong thế giới ảo của internet... gây bức xúc cho nhà trường, gia đình và xã hội. Nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống. Do vậy, để gắn kết các em trong tập thể thì cần thiết phải giáo dục kỹ năng sống, với mục đích hình thành và phát triển cho các em khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người xung quanh, ứng phó tích cực trước các tình huống phức tạp, muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài) hào hứng khi được tham gia tiết giáo dục kỹ năng sống

Từ năm học 2015-2016, ngoài dạy học theo chuẩn kiến thức của Bộ GD-ĐT, trường xin chủ trương của Sở GD-ĐT, linh hoạt, chủ động lồng ghép đưa giáo dục kỹ năng sống là một trong những hoạt động chủ đạo của trường. Thời gian đầu, giáo dục kỹ năng sống được lồng vào các tiết dạy, tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, tiết chào cờ đầu tuần hay ngoại khóa. Sau đó, khi có hiệu quả thiết thực, trường mạnh dạn tiên phong thực hiện 1 tiết/tuần vào buổi sáng. Giáo dục kỹ năng sống do giáo viên chủ nhiệm đảm trách theo lớp mình, ngoài ra trường bố trí 1 giáo viên chuyên trách về lĩnh vực này. Những chủ đề khó, phức tạp, tùy vào điều kiện không gian, thời gian, cơ sở vật chất để trường tổ chức thực hiện chung toàn trường hoặc theo khối lớp. Vào tiết chào cờ thứ 2 hằng tuần, trường không còn nặng về báo cáo thành tích hay đi sâu nhận xét, đánh giá một vấn đề, lĩnh vực mà thay vào đó là chi đoàn các lớp luân phiên sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm về một chủ đề, chủ điểm phù hợp, lành mạnh, bổ ích như bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản, an toàn giao thông... Qua đó, ngoài giáo dục đạo đức, lối sống cho các em, còn tạo không khí vui nhộn, trải nghiệm sáng tạo ngay đầu tuần.

Ngoài ra, trường còn thành lập tổ tư vấn học đường gồm 10 thành viên là các thầy, cô có kinh nghiệm. Khi học sinh có nhu cầu tư vấn, các thành viên được phân công theo lĩnh vực trực tiếp lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng và chia sẻ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho các em.

“Cháy” hết mình vì học sinh thân yêu

Tốt nghiệp sư phạm Hóa, Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục học cao học, năm 2004, thầy Hoàng Giang (1979) về Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) công tác. Nỗ lực phấn đấu và tâm huyết với nghề, hằng năm thầy cùng tổ Hóa của trường đào tạo, bồi dưỡng đội tuyển và đều có học sinh giỏi cấp quốc gia. Sau 10 năm công tác tại trường, năm 2014, thầy chuyển về Trường THPT Hùng Vương công tác với mục đích giảm áp lực ôn luyện, dành nhiều thời gian cho thư giãn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Thầy Giang cho biết: Hằng tuần, trường có 1 tiết dạy hướng nghiệp cho học sinh, tuy nhiên hiệu quả thấp do giáo viên chủ nhiệm không chuyên nghiệp. Sau đó, đưa xuống sân trường tổ chức chung bằng các trò chơi, mời các chuyên gia về nói chuyện, giáo dục kỹ năng sống cơ bản. Từ hoạt động này, tôi tự đặt ra câu hỏi tại sao mình không làm được mà phải đi mời chuyên gia nơi khác về, vừa tốn kém chi phí lại không sát thực tế với học sinh trường mình. Bước đầu, để tạo sự hứng thú, phấn khởi đối với học sinh, trong các tiết dạy, tôi lồng ghép các câu chuyện sát thực tiễn, thực tế cuộc sống. Và để có thêm kinh nghiệm về giáo dục kỹ năng sống cũng như tư vấn học đường, tôi về TP. Hồ Chí Minh học kỹ năng trước đám đông, cách diễn thuyết... nhiều năm nay và hiện vẫn tiếp tục theo học.

Giáo dục kỹ năng sống và tư vấn học đường của trường những năm gần đây đã có hiệu ứng tích cực, lan tỏa rộng khắp. Các hoạt động đã giúp học sinh, thành viên kết nối, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ, không chỉ trong lớp mà ở ngoài lớp mình. Có nhiều học sinh ngượng ngùng, rụt rè vì chưa được tham gia hoạt động tập thể nhưng sau khi học kỹ năng sống đã trở nên tự tin, lanh lợi, hoạt bát. Ở trường, những học sinh vi phạm nội quy, quy chế hoặc có những biểu hiện lệch lạc, bất thường không để giáo viên phải nhắc nhở mà các bạn trong lớp, trong trường tự nguyện giúp đỡ, hỗ trợ để bạn mình tiến bộ hơn. Học sinh toàn trường luôn biết lắng nghe, lễ phép, yêu thương, chia sẻ, sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Có nhiều trường hợp gặp bế tắc trong cuộc sống, phụ huynh bất lực nhưng khi được nhà trường tư vấn các em đều trở lại lớp học bình thường và chăm ngoan, tích cực hơn.

Thầy Cao Vũ Mưu, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết.

Được trải nghiệm giúp thầy Giang thay đổi cách sống, luôn vui vẻ, hòa nhã, yêu đời, yêu bản thân, yêu mọi người, sống nhẹ nhàng và tích cực hơn. Cách sống đó đã lan tỏa đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Học sinh cân bằng sự học, đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, cảm nhận sâu sắc, tinh tế hơn; giáo viên luôn vui tươi, yêu đời, tâm huyết, trách nhiệm hơn với công việc hiện tại. Nội dung chủ yếu của giáo dục kỹ năng sống là các bài học đơn giản, nhẹ nhàng như nụ cười, thế nào là hạnh phúc, mục tiêu hướng tới, sống sâu sắc, sống tinh tế, sống ở thời điểm hiện tại... Qua đó giáo dục, làm sao cho tâm hồn đẹp lên. Từ những bài học đơn giản đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của học sinh, các lớp hình thành câu lạc bộ bảo vệ môi trường, câu lạc bộ thiện nguyện, nhóm kỹ năng sống... tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Ngoài giáo dục kỹ năng sống cho toàn trường, thầy Giang còn mở 8 lớp dạy kỹ năng sống trên địa bàn thành phố Đồng Xoài thu hút mọi lứa tuổi tham gia.

Việc làm của thầy Giang lan tỏa rộng khắp nhưng theo thầy, công việc chính không phải giáo dục kỹ năng sống mà là hướng nghiệp và tư vấn học đường. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ tư vấn, hướng nghiệp của trường, hằng ngày những học sinh gặp bế tắc trong cuộc sống, áp lực học tập hay không định hướng được tương lai đều được thầy tư vấn, hướng nghiệp và đạt hiệu quả rất tốt. Các em sống lành mạnh, vui vẻ, hòa đồng và chọn đúng ngành, nghề mình yêu thích.

Hiệu ứng tích cực

Em Hoàng Thị Anh Tú, lớp 12D4 chia sẻ: Tiết giáo dục kỹ năng sống nhẹ nhàng, đơn giản nhưng hiệu quả cao vì gắn với thực tế hằng ngày, giảm áp lực học tập và tạo sự hứng thú cho các bạn. Từ những bài học, mẩu chuyện thầy dẫn chứng, chuyển tải luôn có bóng dáng của mình trong đó nên có thể khai thác, áp dụng vào cuộc sống hiện tại. Còn em Nguyễn Trần Phương Thúy, lớp 12D4 cho biết: Những tiết học kỹ năng sống luôn vui nhộn, bổ ích, lý thú, ở đó chúng em được hoạt động tập thể, làm việc nhóm, tham gia nhiều trò chơi gay cấn, hấp dẫn. Đặc biệt, thông qua đó, tập thể lớp thêm đoàn kết, trách nhiệm, yêu thương, giúp đỡ nhau; các cá nhân mạnh dạn, tự tin, ngôn ngữ hoạt bát hơn khi thuyết trình trước đám đông.

Nhiều năm qua, trường không có học sinh cá biệt, nghiện game, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm đến mức phải kỷ luật và không có học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình. Vấn đề nhức nhối nhiều năm qua là tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn đến trường nhưng ở Trường THPT Hùng Vương không có tiền lệ, chỉ trừ trường hợp học sinh đủ 18 tuổi có giấy phép lái xe được quyền đi xe phân khối lớn, số còn lại thực hiện đúng quy định. Những hiệu ứng này giúp giáo viên lên lớp nhẹ nhàng, không còn phải băn khoăn, lo lắng hay than phiền gì về học sinh của mình.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
89114

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu