Thứ 6, 19/04/2024 04:41:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:38, 25/02/2020 GMT+7

Hiệu quả ứng dụng nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh

Hiền Lương - Trương Hiện
Thứ 3, 25/02/2020 | 15:38:00 1,085 lượt xem
BPO - Sáng 25-2, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh họp đánh giá, nghiệm thu Đề tài “Khảo sát, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh giai đoạn 2010-2015” do PGS.TS Vũ Thị Minh, Trường đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Huỳnh Thị Hằng chủ trì cuộc họp.

Đề tài được tỉnh Bình Phước triển khai từ năm 2015, nhưng đến năm 2018 mới thực hiện nên nhóm nghiên cứu cập nhật thông tin, số liệu đến hết năm 2017 để làm cơ sở nghiên cứu phù hợp thực tiễn. Do đó, theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, giai đoạn 2010-2017, tại Bình Phước có 58 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng, trong đó nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế 21 đề tài (chiếm 36%), còn lại là các đề tài thuộc lĩnh vực xã hội, môi trường, KH&CN, giáo dục, quản lý nhà nước và công tác lãnh đạo. Trong số đề tài này có 10 đề tài đựợc chuyển thể thành sách, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy trong ngành GD-ĐT tỉnh. Nhìn chung các đề tài KH&CN tỉnh Bình Phước được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả khá cao trên các lĩnh vực.

Toàn cảnh cuộc họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh

Về mặt kinh tế, xã hội, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng lên đáng kể, góp phần tạo thêm việc làm và cải thiện sức khỏe, đời sống người dân. Điển hình như các đề tài: “Trồng ca cao dưới tán điều” đã tạo thêm được 60 triệu đồng giá trị sản xuất/ha và 40 triệu đồng lợi nhuận/ha; “Chăn nuôi gà, vịt dưới tán cao su” tạo thêm việc làm cho 5 lao động/trang trại, thu nhập bình quân hằng tháng từ 4 - 4,5 triệu đồng/người; ứng dụng “Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp tiêm xơ PG60” tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đạt tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 80%. Đặc biệt sau 3 năm ứng dụng Đề tài “Giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh giảm 312 vụ tai nạn giao thông, giảm 152 người chết và giảm 534 người bị thương so với giai đoạn 3 năm trước khi chưa ứng dụng kết quả nghiên cứu…

Ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài KH&CN cấp tỉnh đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, xa, giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, tổ chức đời sống cộng đồng hơn. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều kết quả nghiên cứu không được nhân rộng.

Chủ nhiệm đề tài kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ra nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh Bình Phước”.

Tại cuộc họp, các nhà phản biện và thành viên hội đồng đã đánh giá độ khó của đề tài, phương pháp nghiên cứu, phân tích, trích dẫn nguồn, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu của đề tài... Đồng thời đề nghị chủ nhiệm đề tài làm rõ hơn tính ứng dụng của đề tài sau khi được nghiệm thu; trình độ của các chủ nhiệm đề tài có quyết định đến chất lượng, hiệu quả của đề tài?; vai trò của truyền thông trong việc góp phần làm thành công ứng dụng các đề tài này..

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Huỳnh Thị Hằng đánh giá cao tính phản biện, góp ý trên tinh thần xây dựng của các thành viên hội đồng. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa để đề tài hoàn thiện phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, để có tầm nhìn chiến lược trong thời gian tới. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đề tài cần nghiên cứu thêm vai trò, nhiệm vụ của Sở KH&CN trong việc kiểm tra, giám sát hiệu quả ứng dụng các đề tài đã được tỉnh nghiệm thu vào cuộc sống, tránh tình trạng lãng phí.

Hội đồng đã bỏ phiếu nghiệm thu đề tài với 9/9 phiếu đạt.

  • Từ khóa
10088

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu