Thứ 4, 24/04/2024 19:34:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 01/07/2011 GMT+7

Hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân

Thứ 6, 01/07/2011 | 00:00:00 288 lượt xem

Những năm qua, Hội nông dân tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nguyễn Thị Kim Nga nói: Hội đã đổi mới tư duy trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy cán bộ theo hướng “Thống nhất, tinh gọn và hiệu quả” để nâng cao năng lực cán bộ hội các cấp một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, công tác xây dựng tổ chức hội đã có sự chuyển biến cả về chất và lượng. Hệ thống hội đã hình thành thống nhất từ tỉnh hội đến chi, tổ hội. Toàn tỉnh có 111 cơ sở, 850 chi hội, 3.388 tổ hội, với 78.363 hội viên.

Công tác hội và Phong trào nông dân của tỉnh được xếp loại mạnh nhiều năm liền. Đây cũng là nội dung mà bà Nga trả lời phỏng vấn của phóng viên (PV) Báo Bình Phước.

PV: Xin bà cho biết về tình hình đội ngũ cán bộ, hội viên trong việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Kim Nga: Qua thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng tổ chức hội các cấp, nhận thức của đội ngũ cán bộ hội được nâng lên. Phần lớn cán bộ hội rất nhiệt tình, chịu khó bám cơ sở, lăn lộn trong phong trào, thể hiện được bản lĩnh chính trị năng động, sáng tạo trong công việc, đáp ứng tốt nhu cầu, nhiệm vụ. Nhiều cơ sở hội tiếp tục giữ vững phong trào và có bước phát triển khá toàn diện. Hội viên đã có quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng. Điều đó thể hiện rõ nét trong việc tham gia thực hiện công tác hội cũng như các mô hình sản xuất (Tổ đoàn kết tương trợ sản xuất, Câu lạc bộ Khuyến nông, Tổ hợp tác mô hình nông dân sản xuất kinh doanh...). đây là những loại hình hoạt động theo nghề nghiệp, gắn liền với nội dung sinh hoạt ở nông thôn.

Mô hình trồng xen ca cao trong vườn điều đạt hiệu quả

PV: Hiệu quả của công tác hội và phong trào nông dân mang lại đối với đời sống của các hội viên như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Nga: Thực tế cho thấy, nhiều tổ hội nhờ biết cách đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức hội và nguyện vọng của hội viên, từ đó phát động và xây dựng công tác hội, các phong trào sản xuất hiệu quả đã giúp nông dân vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng. Trong Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, tỉnh Hội không những phát động mà còn định hướng các giải pháp canh tác mới nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Hàng năm, có trên 40.000 hộ đăng ký và trên 20.000 hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp; hơn 11.000 lượt hộ hội viên, nông dân vươn lên thoát đói nghèo. Công tác hỗ trợ nông dân được các cấp hội quan tâm, như phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho 23.546 hộ vay, với số tiền 132,4 tỷ đồng, qua đó đưa tổng dư nợ qua ngân hàng này lên 280,019 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội nông dân các cấp còn giải ngân 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, 600 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ người nghèo..., giải quyết lao động ở địa phương, xuất khẩu lao động, tập huấn khoa học - kỹ thuật, tham quan các mô hình điểm, đầu tư, hỗ trợ các mô hình điểm và con giống...

Trong công tác xã hội, tỉnh hội đã vận động đóng góp và xây dựng 38 căn nhà tình thương với tổng trị giá gần 600 triệu đồng; tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp được 3.927 ngày công lao động, sửa chữa 355,5km đường, 145,7km kênh mương, 249 cầu cống các loại với tổng số tiền 3,44 tỷ đồng. Hội còn phối hợp tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, nông dân với công tác bảo đảm trật tự xã hội.

PV: Từ những kết quả đó, hội sẽ làm gì để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hoạt động trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Kim Nga: Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng chất lượng và tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức hội vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở hội. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo nhân rộng những mô hình mới đạt hiệu quả cao như: Trồng ca cao xen trong vườn điều và cao su, phát triển chăn nuôi chuồng trại, khuyến khích thành lập và hỗ trợ các nhóm sản xuất - kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao đời sống vật chất cho hội viên và hiệu quả hoạt động của tỉnh Hội.

PV: Xin cảm ơn bà!

Quốc Tịnh (thực hiện)

  • Từ khóa
39154

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu