Thứ 3, 19/03/2024 11:59:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:45, 31/07/2020 GMT+7

Hệ lụy từ không nộp phạt vi phạm giao thông

Hồ Ngọc
Thứ 6, 31/07/2020 | 09:45:00 895 lượt xem
BPO - Ngày 10-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. So với những quy định trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP trước đó, hầu hết các hành vi vi phạm giao thông đường bộ được quy định trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có mức phạt cao hơn nhiều.

Cụ thể, với hành vi đã uống rượu, bia mà vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở, nhưng vẫn điều khiển xe máy tham gia giao thông thì sẽ bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Vì thế, có rất nhiều trường hợp khi vi phạm giao thông đường bộ và bị cảnh sát giao thông tạm giữ giấy tờ xe, giấy phép lái xe, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính,… thì họ đã lựa chọn cách bỏ luôn giấy phép lái xe hoặc phương tiện để không phải nộp phạt. Bởi theo họ, muốn được nhận lại chiếc xe cũ trị giá chừng 5 triệu đồng, nhưng phải mất 8 triệu đồng tiền nộp phạt và lại phải mất thời gian làm thủ tục, nên nhiều người đã bỏ luôn cả xe và giấy phép lái xe. Còn đối với giấy phép lái xe thì cứ mất là có thể làm lại được.

Tuy nhiên, đó là việc làm của người thiếu hiểu biết về pháp luật. Bởi vì họ không biết, hành vi không nộp phạt vi phạm giao thông sẽ kéo theo đó rất nhiều hệ lụy mà họ phải gánh chịu. Trước hết là về thời hạn nộp phạt. Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt. Đối với trường hợp nộp phạt muộn, nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Và nếu người vi phạm không chấp hành thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đồng Xoài xử lý xe vi phạm trên địa bàn thành phố - Ảnh: Minh Luận

Theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Đối với hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới. Trong thực tế cho thấy, không ít người điều khiển ôtô sau khi vi phạm đã bỏ cả xe, vì mức nộp phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Vì thế, với những chiếc xe giá trị không còn bao nhiêu nên rất nhiều trường hợp bỏ luôn xe.

Đối với trường hợp vì mức phạt cao hơn chi phí cấp lại giấy phép lái xe hoặc người vi phạm ở các tỉnh, thành khác rồi ngại quay lại đóng phạt..., nên đã giả mất giấy tờ xe để xin cấp mới. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, thì: Người có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe thì giấy phép lái xe đó không có giá trị sử dụng, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.

Còn theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, người khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại giấy phép lái xe sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Từ phân tích nêu trên cho thấy, có quá nhiều hệ lụy từ việc không nộp phạt vi phạm giao thông. Vì vậy, rất mong ai đó đã lỡ vi phạm thì cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đừng thấy cái lợi trước mắt mà sau đó phải gánh hệ lụy.

  • Từ khóa
33097

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu