Thứ 6, 19/04/2024 21:30:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:40, 22/07/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN BÙ ĐĂNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Gửi trọn niềm tin

Quang Minh
Thứ 4, 22/07/2020 | 07:40:00 187 lượt xem

Không để mất đất sản xuất

Huyện Bù Đăng có 16 xã, thị trấn với gần 150 ngàn người, trong đó trên 40% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giúp bà con có nhà ở ổn định, có đất sản xuất. Nhờ vậy, hộ nghèo vùng DTTS giảm còn 750 hộ, chiếm 61,4% số hộ nghèo toàn huyện (1.205 hộ).

Ông Điểu Xuân Lập, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai khẳng định: “Bên cạnh những kết quả đạt được thì tại một số ấp, sóc vùng sâu, vùng xa, do trình độ, nhận thức của bà con hạn chế nên vẫn còn xảy ra tình trạng cầm cố, sang nhượng rẫy, bán điều non nhiều năm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, từ đó dẫn đến mất đất sản xuất. Đất đai là tư liệu sản xuất duy nhất của bà con, nếu mất đất sản xuất sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt là tái đói, tái nghèo. Do vậy, Đảng bộ huyện cần quan tâm vấn đề này”.

Ông Điểu Xuân Lập (trái), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai khẳng định:  Đất đai là tư liệu sản xuất duy nhất của bà con DTTS tại địa bàn, nếu mất đất sản xuất sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là tình trạng tái đói, nghèo

Ông Lập cho biết thêm: Trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, vấn đề phát triển trường, lớp tại vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS còn hạn chế. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện có đủ trường học, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện cần quan tâm, bố trí sử dụng cán bộ DTTS hợp lý, đặc biệt là phát triển đảng trong thanh niên DTTS.

Ðảm bảo an ninh chính trị vùng giáp ranh

Huyện Bù Đăng giáp ranh với Tây Nguyên, trong đó xã Phú Sơn tiếp giáp xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng đã chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình hành động thiết thực nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng giáp ranh.

Ông Đỗ Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Sơn cho biết: Hội Cựu chiến binh xã luôn tiên phong trong việc cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi, giáo dục thanh, thiếu niên hư trong cộng đồng, thường xuyên thực hiện tốt tuyên truyền và giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc, tôn giáo. Hiện nay, tình hình an ninh chính trị vùng giáp ranh còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, vẫn còn tình trạng một số phần tử xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc, tôn giáo để xúi giục, tuyên truyền những thông tin xấu, độc. Đề nghị huyện tăng cường quan tâm và có biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm.

Quản lý chặt về giống và tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp

Bù Đăng là huyện thuần nông có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Trong đó, diện tích cây điều tại huyện Bù Đăng lớn nhất tỉnh, với 59 ngàn ha. Ông Lê Xuân Huy, tổ dân phố Đức Thọ, thị trấn Đức Phong là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, với 60 ha đất trồng 2 loại cây chủ lực là điều và cao su. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông từ 6-7 tỷ đồng. Ông Huy cho biết: Những năm gần đây, nhiều nông dân muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do thị trường cây giống bán tràn lan. Theo chu kỳ sinh trưởng thì cây điều ghép khoảng 2-3 năm mới cho thu hoạch, cao su khoảng 6-7 năm. Nếu mua giống không tốt thì phải chặt đi, trồng lại, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế của nhân dân. Đề nghị huyện có cơ chế quản lý chặt chẽ về giống cây trồng, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho nông dân. 

Ðào tạo, sử dụng cán bộ là then chốt

Ông Lê A, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đăng là một trong những người có nhiều tâm huyết và đóng góp tích cực cho Đảng bộ huyện. Ông Lê A khẳng định, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, nổi bật là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế được đầu tư đồng bộ. Huyện đã thực hiện được các dự án đổi đất lấy hạ tầng, từ đó có được nguồn vốn dồi dào để đầu tư phát triển.

Góp ý cho Đảng bộ huyện Bù Đăng nhiệm kỳ 2020-2025, ông Lê A cho rằng: Đảng bộ huyện cần nghiên cứu, sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nghị quyết đề ra. Bù Đăng có lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế du lịch sinh thái. Điểm nổi bật của Bù Đăng là có trảng cỏ Bù Lạch ở xã Đồng Nai với hàng ngàn héc ta nối tiếp nhau, xen kẽ trong các cánh rừng nguyên sinh. Trong khu trảng cỏ còn có nhiều thác nước hùng vĩ tạo nên bức tranh thiên nhiên được xem là đẹp nhất khu vực miền Đông Nam bộ. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, huyện Bù Đăng còn được đầu tư xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với nhiều hạng mục công trình mang tính bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của đồng bào dân tộc S’tiêng. Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện cần có chiến lược kết nối liên vùng để phát triển và khai thác ngành kinh tế du lịch đầy tiềm năng này.

  • Từ khóa
34576

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu