Thứ 4, 17/04/2024 06:40:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:44, 14/11/2015 GMT+7

Góp ý dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự: Cần quy định rõ việc giải quyết oan sai

Thứ 7, 14/11/2015 | 14:44:00 1,818 lượt xem

BP - Điều 8 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự là những quy định về việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, với nội dung như sau: Khi tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay và không đầy đủ chế tài để đảm bảo cho việc bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Vì trong nội dung của Điều 8 nói trên không có khoản nào quy định về việc nếu khi tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng dẫn đến oan sai cho người dân thì xử lý như thế nào? Trong khi đó, tại Điều 4 trong Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, có quy định cụ thể như sau: Người bị oan được khôi phục danh dự. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan. Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức sau đây: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị oan làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị oan là thành viên; Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu không đăng báo. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, pháp luật quy định là vậy nhưng từ ngày Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực thi hành đến nay, vấn đề công khai xin lỗi đối với người bị oan sai trong thời gian qua được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện quá “sơ sài”, làm cho có, cực chẳng đã phải làm, làm chiếu lệ... khiến người bị oan và dư luận không đồng tình. Thậm chí có không ít vụ án đã được các cơ quan tố tụng thừa nhận là sai, tòa án cũng đã có quyết định công nhận oan sai và chấp nhận bồi thường nhưng việc bồi thường kéo dài mấy năm cũng không có, đáng buồn hơn là ngay cả lời xin lỗi cũng không. Xin dẫn chứng ra đây về việc oan sai của 4 thanh niên ở huyện Bù Đốp bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên án phạm tội hiếp dâm. Năm 2013, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước cũng lại tuyên 4 thanh niên này vô tội và chấp nhận họ bị oan sai, chấp nhận bồi thường. Nhưng đến nay, vì không nhận được lời xin lỗi để minh oan, 3 thanh niên đã bỏ nhà đi bạt xứ vì xấu hổ với người thân, bạn bè. Còn một người chờ mãi không được và đã qua đời vì bị đâm trong một vụ xô xát. Nguyên nhân dẫn đến vụ án này là do người thanh niên bị hại không chịu nổi sự miệt thị của người khác cho rằng mình là kẻ hiếp dâm. 

Từ những bất cập trên, tôi xin đề nghị Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi lần này cần có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự, trách nhiệm công khai xin lỗi của cơ quan, người có thẩm quyền tham gia tố tụng đã dẫn đến oan sai. Bởi vì, đây không chỉ là sự thể hiện văn hóa ứng xử của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tố tụng mà còn là sự tôn trọng pháp luật. Đồng thời, lời xin lỗi cần có bố cục nội dung rõ ràng, nêu rõ nguyên nhân, lý do dẫn đến oan sai.  Về trách nhiệm bồi thường cũng như thời hạn bồi thường, tôi đề nghị sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với nội dung này. Theo đó, khi đã công nhận có oan sai thì phải bồi thường ngay cho người bị oan những khoản đương nhiên và có thể tính ra tiền được; còn những khoản khác có thể bồi thường thông qua việc thỏa thuận hay việc khiếu kiện dân sự của người bị oan, sai theo thủ tục tố tụng dân sự. Và một khi những nội dung của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 được bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự thì chúng ta sẽ giảm được một đầu mối văn bản quy phạm pháp luật.

Có quy định cụ thể như vậy thì hệ lụy từ việc chậm giải quyết bồi thường oan sai mới được ngăn chặn. Đồng thời, tinh thần thượng tôn pháp luật mới được phát huy. Và cao hơn nữa là niềm tin của nhân dân vào pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng vững chắc hơn.

N.V

  • Từ khóa
14380

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu