Thứ 6, 29/03/2024 14:41:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:16, 10/10/2015 GMT+7

Góp ý dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi: Khung hình phạt chưa hợp lý

Thứ 7, 10/10/2015 | 08:16:00 1,345 lượt xem

BP - Nội dung của Điều 190 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về tội buôn lậu: Người nào buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: ...Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm: ...Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1-3 tỷ đồng hoặc tù từ 7-15 năm: ...Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12-20 năm: ...Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Pháp nhân phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 90-900 triệu đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định ở khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 900 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 4,5-15 tỷ đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 15-50 tỷ đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.

Như vậy, so với quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, tội phạm buôn lậu được nộp tiền thay thế tù giam. Nói đúng hơn là đối với tội phạm này, người phạm tội được tăng hình phạt tiền, nhưng lại được giảm hình phạt tù. Đây là một trong những thay đổi lớn trong tư duy xây dựng luật pháp hình sự ở nước ta. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với truyền thống nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời cũng phù hợp với phát triển chung của nền kinh tế - xã hội thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là cần xây dựng tinh thần của luật sao cho phù hợp giữa các điều, khoản trong các chương của bộ luật này. Cụ thể là không để xảy ra tình trạng cùng một mức vi phạm về kinh tế, nhưng ở điều này có khung cao và rộng, ở điều kia thì lại khung hình thấp và ngắn hơn.

Ví dụ như tại Khoản 1 của Điều 190 về tội buôn lậu, nếu người nào buôn lậu mà thu lời bất chính từ 50 đến dưới 500 triệu đồng mới bị phạt từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ở đây có hai vấn đề được đặt ra: Một là họ buôn lậu hàng hóa nhưng mục đích cuối cùng là vấn đề về sản xuất, chế biến ra loại hàng hóa khác. Tức là người buôn lậu này không nhằm mục đích bán để kiếm lời, mà là kiếm lợi nhuận sau sản xuất và đã thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước... Thứ hai là người buôn lậu hàng hóa nhằm mục đích sang tay kiếm lợi. Như vậy, cùng một hành vi buôn lậu, nhưng mục đích tìm kiếm lợi nhuận hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu cùng chung một khung hình phạt là không công bằng?

Bên cạnh đó, ở Khoản 1 của Điều 171 về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có quy định như sau: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 2-3 lần giá trị tài sản đã chiếm đoạt, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Như vậy, dù chiếm đoạt số tài sản từ 2-50 triệu đồng mà đã phạt tiền từ 2-5 năm giá trị hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, như vậy giữa hai tội danh này tuy mục đích cuối cùng cũng là nhằm thu lợi bất chính, nhưng khung hình phạt có sự không công bằng. Hay như quy định tại Khoản 2 của Điều 190, như sau: Thu lời bất chính từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng thì phạt tiền từ 200-700 triệu hoặc phạt tù từ 1-5 năm, trong khi ở Khoản 2, Điều 171 nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ không được nộp phạt mà phải chịu hình phạt nặng hơn là từ 2-7 năm tù. Còn ở Khoản 3, Điều 190 thì thu lời trên 1 tỷ cũng chỉ phạt tù từ 5-10 năm hoặc phạt tiền từ 700 triệu đến 2 tỷ đồng.

Vì vậy, những quy định của luật pháp được thực thi một cách công bằng, nghiêm minh, tôi đề nghị ban soạn thảo cần xem xét lại mức phạt cũng như khung hình phạt của các tội danh thuộc Chương XVI - các tội xâm phạm sở hữu sao cho hợp lý, phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay.

N.V

  • Từ khóa
14146

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu