Thứ 6, 29/03/2024 06:47:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:45, 04/11/2015 GMT+7

PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

Góp ý bộ Luật Hình sự sửa đổi: Bỏ án tử hình - cần xem xét ở một số tội danh

Thứ 4, 04/11/2015 | 07:45:00 1,343 lượt xem

BP - Tại Khoản 1, Điều 39 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã quy định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi có đủ các điều kiện sau đây. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 39 nêu: Tội đã phạm là tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định; Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, hoặc thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng. Như vậy, chỉ có những người phạm tội thuộc các trường hợp nêu trên mới phải bị thi hành án tử hình.

Tuy nhiên theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 của Điều 39 thì dù người phạm tội thuộc các trường hợp nêu trên nhưng nếu họ thuộc diện nêu dưới đây thì sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình và không bị thi hành án tử hình và được chuyển sang án tù chung thân: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Phương án 1: Người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên. Phương án 2: Không quy định trường hợp này. Phương án 1: Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Phương án 2: Không quy định trường hợp này. Trong trường hợp quy định tại... thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Như vậy, một trong những điểm mới trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là đã bổ sung các quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm nhưng sau khi bị kết án, người phạm tội bị kết án đó đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra hoặc tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn. Với quy định này, tôi hoàn toàn đồng tình vì nó mang tính nhân đạo, nhân văn cao. Đồng thời, với quy định này sẽ tạo cho người phạm tội có cơ hội, điều kiện sửa sai lỗi lầm của mình. Do đó, tôi đồng ý với phương án 1. Nhưng ở đây tôi đề nghị thay cụm từ “cơ bản” bằng cụm từ “toàn bộ” thiệt hại xảy ra. Vì nếu chúng ta sử dụng cụm từ “cơ bản” sẽ không thể hiện được mức độ khắc phục là bao nhiêu. Hơn nữa, cụm từ cơ bản là rất trừu tượng, không định lượng, định tính được là bao nhiêu nên dễ bị lợi dụng để chạy tội.

Về vấn đề giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm, tôi đề nghị không nên bổ sung quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với... người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (Khoản 3, Điều 39). Vì theo quan điểm của tôi, việc quy định không áp dụng án tử hình đối với người phạm tội từ 75 tuổi trở lên là điều không phù hợp với quy định của Hiến pháp và nguyên tắc xử lý đối với Bộ luật Hình sự. Cụ thể là tại Điều 16 của Hiến pháp 2013 có quy định như sau: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Và tại các khoản 1, 2 của Điều 3 trong Bộ luật Hình sự hiện hành cũng quy định rõ: Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.

Vì thế, theo tôi nên bỏ quy định này trong dự thảo, bởi những đối tượng phạm tội ở trong độ tuổi này thường rất tinh vi. Thậm chí nhiều đối tượng có địa vị xã hội nhưng do mong muốn tham vọng của bản thân nên thường cố ý phạm tội. Do đó, với những đối tượng này cần phải được răn đe nghiêm khắc, công minh chứ không nên để họ được hưởng đặc ân như dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. 

N.V

  • Từ khóa
27504

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu