Thứ 6, 29/03/2024 04:33:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:35, 08/03/2014 GMT+7

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”

Thứ 7, 08/03/2014 | 11:35:00 22,118 lượt xem

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Người đã khẳng định:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 269 và 273). Và Người đã đưa ra khái niệm cán bộ là gì? theo Người, “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”, (Sđd, tập 5, trang 54-55).

* Sử dụng đúng cán bộ:

Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi tập hợp hiền tài để chấn hưng đất nước. Và Người cũng đã khẳng định nước ta không thiếu nhân tài nhưng vấn đề ở chỗ các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể có phát hiện và dùng được nhân tài hay không. Đây là việc đòi hỏi rất công phu, thể hiện trách nhiệm chăm lo nguồn nhân lực của đất nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc”, (Sđd, tập 5, trang 274).

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, người đã dành hẳn chương 4 để nói về “vấn đề cán bộ”. Trong chương này, Người đã phân tích kỹ đồng thời đưa ra nhiều cách dùng cán bộ và chỉ ra những sai lầm trong việc sử dụng cán bộ: “Lúc dùng cán bộ, nhiều người đã phạm vào sai lầm sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những nhười chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những căn bệnh đó, kết quả kết quả là những người kia làm bậy mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo vệ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng…”, (Sđd, tập 5, trang 279).

Theo Người việc quan trọng là phải khéo dùng cán bộ, vì “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”, (Sđd, tập 5, trang 274).

* Phải biết rõ cán bộ và đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ:

Cán bộ trước hết cũng là một con người, mà đã là người thì ai cũng đều có cái ưu, khuyết điểm, có năng lực, sở trường riêng. Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn sử dụng cán bộ hiệu qủa, đặt cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường của họ. Người nói: “Khinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”, (Sđd, tập 5, trang 274). Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, nên Người đã dạy: “Xem xét cán bộ không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”, (Sđd, tập 5, trang 278). Đồng thời, Người cũng đã nhắc nhở chúng ta, nhưng người làm công tác tổ chức, nhưng người có thẩm quyền trong công tác đề bạt cán bộ và lựa chọn nhân sự, rằng: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà phải xét cách sinh hoạt. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ không”, (Sđd, tập 5, trang 281).

Tin tưởng vào cán bộ là yêu cầu rất cần thiết của công tác tổ chức cán bộ và của người đứng đầu một tổ chức, một cơ quan. Chính sự tin tưởng ấy là động lực to lớn tiếp sức cho cán bộ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả là thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong…Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công”, (Sđd, tập 5, trang 281). Và Người đã nhắc nhở các tổ chức cần mạnh dạn giao việc, cất nhắc cán bộ: “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ”, (Sđd, tập 5, trang 276).

* Đề bạt và thương yêu cán bộ:

Cán bộ là người quyết định đến sự thành bại của mọi công việc. Vì thế, việc đề bạt cán bộ là vấn đề hệ trọng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bởi thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ mục đích của việc đề bạt cán bộ: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”, (Sđd, tập 5, trang 281). Và theo Người, một yêu cầu không thể thiếu khi cất nhắc cán bộ là phải tham khảo ý kiến quần chúng. Do đó, Người đã căn dặn: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”, (Sđd, tập 5, trang 274). Đồng thời, Người cũng nhắc nhở khi sử dụng cán bộ cần phòng, tránh óc bè phái, chủ nghĩa cá nhân: “Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những người có tài năng hơn mình”, chớ vì “Ai hẩu với mình thì dù không nói đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe”, (Sđd, tập 5, trang 72).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức phải thường xuyên theo dõi, giúp đỡ cán bộ. Và theo Người, đó là trách nhiệm thường xuyên của tổ chức, của người đứng đầu. Nhưng Người cũng đã chỉ rõ rằng: “Thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều thả mặc”, mà “Phải luôn dùng lòng nhân ái để giúp đỡ họ…”, (Sđd, tập 5, trang 283). Đối với cán bộ mắc phải sai lầm, khuyết điểm, phải chỉ dẫn thấu tình đạt lý, không vội quy chụp, công kích họ. Bởi, “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”, (Sđd, tập 5, trang 283). Từ đó, Người đã dạy: “Ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cơ vì sao sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ hại đến công việc như thế nào ? Làm thế nào để sửa chữa? Tóm lại là phải phê bình cho đúng…”, (Sđd, tập 5, trang 276). Và cho đến nay, những quan điểm, tư tưởng của Người về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.

                                                                  Vĩnh Hòa

  • Từ khóa
10895

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu