Thứ 7, 20/04/2024 20:47:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:09, 18/12/2019 GMT+7

Giao rừng “ngay tại gốc”

Lâm Phương
Thứ 4, 18/12/2019 | 10:09:00 281 lượt xem

BP - Theo thống kê, Bình Phước có trên 173 ngàn ha đất quy hoạch 3 loại rừng. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 31.219 ha, rừng phòng hộ gần 43.262 ha, còn lại là rừng sản xuất. Thời gian qua, các cấp, ngành và chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về rừng vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Cụ thể, tháng 11-2019, ngành chức năng phát hiện 11 vụ vi phạm, tăng 5 vụ so với tháng 10-2019, chủ yếu liên quan đến khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, động vật rừng và tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép...

Nhằm từng bước nâng cao độ che phủ rừng, thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có, từ đầu năm, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp các đơn vị liên quan thanh - kiểm tra, rà soát những tụ điểm phá rừng trên địa bàn, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định pháp luật; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật. Kiên quyết xử lý các điểm nóng, tụ điểm về phá rừng, gây cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép...

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chủ rừng trên địa bàn rà soát, cập nhật, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị, đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào ở những khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao... Các cấp và ngành chức năng tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng các chốt, trạm bảo vệ rừng và đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng; xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm ổn định nơi ăn ở và phục vụ tốt hơn đời sống, sinh hoạt cho lực lượng bảo vệ rừng ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn... Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng về vai trò, tầm quan trọng của rừng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp nhưng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn gia tăng? Câu trả lời xin nhường ngành chức năng. Tuy nhiên, muốn bảo vệ tốt diện tích rừng còn lại, bên cạnh thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đã đề ra, các cấp và ngành chức năng cần duy trì và tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, việc giao rừng “ngay tại cội” - mô hình người dân địa phương quản lý theo từng gia đình, từng nhóm hộ nhiều nơi đang thực hiện được coi là giải pháp căn cơ và lâu dài. Việc làm này vừa giúp người dân sống được nhờ rừng vừa phát huy hết hiệu quả tinh thần trách nhiệm của người dân và cộng đồng sinh sống gần rừng trong bảo vệ rừng cũng như hạn chế lâm tặc từ nơi khác đến phá rừng.

  • Từ khóa
109250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu