Thứ 6, 19/04/2024 21:45:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:28, 17/11/2015 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính cam kết thu được 34.000 tỷ đồng nợ đọng thuế

Thứ 3, 17/11/2015 | 15:28:00 1,118 lượt xem
BPO - * Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng tăng cao (SGGPO).- Sáng nay, 17-11, Quốc hội bước vào ngày chất vấn thứ 2. Mở đầu ngày chất vấn thứ 2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề nợ công, chi tiêu ngân sách, cải cách hành chính, tái cơ cấu DNNN.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Về vấn đề nợ đọng thuế, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) dẫn lại con số của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay có khoảng 34.000 tỷ là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả. Do đó, ĐB đặt vấn đề về khả năng thu hồi số tiền này.

"Riêng trong năm 2015 đã thu về hơn 31.000 tỷ đồng nợ thuế nên còn treo 34.000 tỷ đồng đó. Chúng tôi chắc chắn thu được số này", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết sau khi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở cần trả lời thẳng vào chất vấn của ĐB.

Về vấn đề nợ công, theo Bộ trưởng, theo yêu cầu chiến lược nợ công đến 2020, tầm nhìn 2030 thì nợ công không quá 65% GDP. Việc cơ cấu lại nợ đã đi được một bước khi tỷ lệ vay trong nước tăng từ 39% (năm 2011) lên 57,1% (năm 2015). Tỷ lệ nợ công dự kiến năm 2015 là 61,3%. Theo tính toán của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, với việc cơ cấu lại nợ như kế hoạch của Bộ Tài chính, đỉnh nợ sẽ vào năm 2017 với tỷ lệ 64% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 58%. Đối chiếu lại chiến lược cũng như các chỉ tiêu an toàn nợ công thì 5 chỉ tiêu nợ công của chúng ta đạt yêu cầu, còn 1 chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội chi ngân sách, yêu cầu là 4,5%, nhưng thực tế thực hiện là trên 5,5% cả nhiệm kỳ. Như vậy trong 5 năm qua bội chi cao, phát hành trái phiếu (TPCP) cao trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Nhưng trong bối cảnh chúng ta chi đầu tư nhiều thì vấn đề bội chi cao, TPCP là bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên lại tác động khiến nợ công tăng cao.

Về nguyên nhân nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nợ công tăng cao do kinh tế thế giới khủng hoảng, tăng trưởng chúng ta chậm, chỉ đạt 5,8% khi chỉ tiêu là 7,5% trong khi chúng ta không điều chỉnh các chỉ tiêu khác. Chúng ta cũng  thực hiện nhiều giải pháp giản thuế để nuôi dưỡng nguồn thu;  tái cơ cấu DNNN; cắt giảm thuế quan theo cam kết với thế giới... khiến nguồn thu giảm. Đặc biệt, vẫn bảo đảm an sinh xã hội, trong giai đoạn này chi tăng 18%/năm trong điều kiện tăng thu chỉ 9%/năm; rồi tăng lương, đầu tư quốc phòng. Đó cũng là nguyên nhân khiến nợ công tăng cao. Ngoài ra, phát hành TPCP, cả giai đoạn là 395.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giai đoạn trước, gây áp lực rất lớn lên nợ công; cùng với đó là áp lực tăng tỷ giá. Tuy nhiên, theo Bộ trường, đáng mừng là nợ công tăng nhưng bước đầu chúng ta đã cơ cấu lại nợ công, vay nước ngoài giảm chỉ còn 42%.

Về việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, dù QH đã thông qua đề xuất này nhưng Bộ trưởng Tài chính cho biết thời điểm này chưa thuận lợi về lãi suất để phát hành. “Như vậy, an toàn nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng tăng cao (20%/năm). Dù đã tập trung cho đầu tư cho phát triển nhưng vẫn còn việc phân bổ, sử dụng vốn chưa hiệu quả, điều này ĐBQH đã chỉ ra. Hiện Chính phủ đã ban hành các giải pháp để kiểm soát nợ công”, Bộ trưởng cho biết.

Về thu-chi ngân sách, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận tình trạng tỷ lệ chi thường xuyên hiện nay vẫn lớn, ảnh hưởng đến chi phát triển và trả nợ. Năm 2014, 2015, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho thường xuyên khoảng 67-68% nhưng năm 2016, cơ quan này dự toán sẽ đưa tỷ lệ này về 64%. "Theo kế hoạch trung hạn của Bộ Tài chính, đến năm 2020, tỷ lệ chi thường xuyên sẽ xuống 58-59%", Bộ trưởng cho biết. Tới đây phải rà soát các chính sách thu để cơ cấu lại thu, bảo đảm hội nhập quốc tế nhưng vẫn phải bảo đảm ngân sách Nhà nước. Giữ bội chi, rà soát các nguồn chi để giảm dần bội chi…

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
14412

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu