Thứ 5, 28/03/2024 22:24:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:02, 10/09/2020 GMT+7

Tài nguyên và môi trường

Giảm thiểu phát thải nhựa - bắt đầu từ đâu?

Thu Thảo
Thứ 5, 10/09/2020 | 15:02:00 1,311 lượt xem
BPO - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải nhựa 1 lần. Trong đó, việc giảm thiểu chất thải nhựa phải bắt đầu từ hoạt động công sở ở các cơ quan nhà nước.

Bắt đầu từ công sở

Sở Tài nguyên và Môi trường là một trong những đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện hội nghị “Nói không với chất thải nhựa”. Ngay từ giữa năm 2019, các hoạt động hội nghị, hội thảo và sự kiện khác của sở đều bắt đầu sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay thế chai nhựa đựng nước suối sử dụng 1 lần. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Hoàng Lâm cho biết: “Trong hội trường của sở có trang bị tủ đựng ly và chai thủy tinh chứa nước. Mỗi khi có sự kiện hay hội họp, chúng tôi đều lấy ra sử dụng rất tiện. Hội họp xong thì có nhân viên tạp vụ rửa sạch rồi cất để tiếp tục sử dụng cho những lần sau. Vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm thiểu chất thải nhựa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bố trí thùng rác để thực hiện phân loại rác thải từ nguồn ngay tại cơ quan”.

Hộp xốp do người dân vứt bừa bãi theo dòng suối tập kết lại tại một đập tràn thủy lợi trên địa bàn xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Hiện nay, không chỉ Sở Tài nguyên và Môi trường mà tất cả cơ quan đầu ngành trên địa bàn tỉnh đều đã sử dụng các loại chai thủy tinh chứa nước trong các cuộc họp. Hình ảnh chai nhựa chứa nước suối với đủ loại kích cỡ đã không còn xuất hiện trên bàn họp hay những ngày lễ, kỷ niệm.

Với việc bắt đầu giảm thiểu chất thải nhựa ngay từ công sở, lực lượng cán bộ, công nhân viên chức sẽ là đầu tàu tiên phong, gương mẫu, trước hết là trong công việc, sau đó đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày trong gia đình. Thói quen dùng đồ nhựa 1 lần dần được thay đổi. Anh Trần Tấn Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh nói: “Trung tâm văn hóa là đơn vị thường xuyên tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Tuy vậy, các loại băng-rôn, khẩu hiệu quảng bá cũng đang được tiết chế để tránh xảy ra tình trạng in băng-rôn quá nhiều nhưng chỉ sử dụng được 1 lần”.

Và từ mỗi người

Để nâng cao nhận thức về rác thải nhựa của người dân, chính quyền các xã, huyện trên địa bàn tỉnh đang tính đến nhiều biện pháp như: Khuyến khích và hỗ trợ phân loại rác thải tại nguồn đối với các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình; thành lập các hợp tác xã thu gom ve chai, nhựa có thể tái chế; tăng cường quản lý các cơ sở thu gom, tái chế, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả công tác thu gom tái chế nhựa. Đây đều là những biện pháp thiết thực và mang tính thực chất hơn trong việc giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa.

Giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa từ người tiêu dùng và sản xuất không phải chỉ là chuyện ngày một ngày hai mà cần có thời gian lâu dài, kết hợp nhiều giải pháp từ chính sách cho đến kinh tế và truyền thông thì mới có thể làm chuyển biến dần nhận thức của người dân.
Ông Trần Quang Vinh,
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni-lon hiện nay rất nghiêm trọng. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% lượng chất thải rắn phát sinh. Trong đó, chỉ 6% chất thải nhựa sản xuất đã được tái chế. Khoảng 8% đã bị thiêu hủy, khoảng 55% tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni-lon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni-lon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm và tăng dần theo từng năm. Chai nước, nắp chai, giấy gói thực phẩm, bịch ni-lon, ống hút… đều là những sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần có ở khắp nơi.

Bản thân nhựa là độc hại và chúng cũng hấp thu rất nhiều hóa chất độc hại. Về cơ bản, con người đang gián tiếp ăn nhựa do con người thải ra thông qua việc ăn các loại hải sản. Ngoài ra, con người còn phải tiếp xúc với lượng lớn các hóa chất độc hại và các hạt vi nhựa qua đường hô hấp hoặc qua da, mắt khi sản xuất sản phẩm nhựa hoặc xử lý chất thải nhựa. Tuy nhiên, việc hiểu đầy đủ tác hại do sử dụng nhựa gây ra cho cơ thể như gây ung thư, dị tật bẩm sinh, ức chế hệ thống miễn dịch, các vấn đề sinh sản và vấn đề phát triển ở trẻ em… vẫn còn rất hạn chế.

  • Từ khóa
47342

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu