Thứ 7, 20/04/2024 17:25:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:28, 03/05/2012 GMT+7

Vụ rút ruột dự án thủy lợi Phước Hòa sắp được đưa ra xét xử

Thứ 5, 03/05/2012 | 16:28:00 353 lượt xem

Tòa án Nhân dân tỉnh sắp đưa ra xét xử vụ án về những sai phạm xảy ra tại Hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án thủy lợi Phước Hòa theo quyết định truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh. Các bị can trong vụ án này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi bất chính.

MẶT HỒ KHÔNG YÊN Ả

Năm 2007, UBND tỉnh kiện toàn hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án thủy lợi Phước Hòa và bổ sung các chức danh mới. Sau đó, hội đồng này đã thành lập các tổ kiểm kê, giúp việc với nhiều thành phần tham gia và tiến hành họp dân để thực hiện chủ trương xây dựng Dự án thủy lợi Phước Hòa. Trong đó, tổ kiểm kê chịu trách nhiệm về tính chính xác trong các biên bản kiểm kê hiện trạng phù hợp với chính sách của phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư... trước khi trình duyệt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Hoàng Đình Hòa, cán bộ Ban quản lý ngành cơ sở hạ tầng nông thôn (tổ trưởng) cùng các bị can Lê Văn Thành, Bùi Thị Dáng Thi, Phan Thị Thu, Lê Thị Hương, Lê Xuân Quyết, Lê Văn Tèo, Lâm Srương, Nguyễn Văn Hồng đã có các hành vi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Không tố giác tội phạm... làm ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện dự án và chủ trương của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Thủy lợi Phước Hòa - Ảnh: www.hec2.vn

Đây là vụ án tương đối lớn xảy ra trong năm 2009 và có tính chất phức tạp do công trình quốc gia nằm trên địa bàn hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Vì vậy, vụ án đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tập trung mọi biện pháp điều tra, ra nhiều quyết định khởi tố và thay đổi quyết định khởi tố các bị can. Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh thì các bị can Hoàng Đình Hòa, Lê Văn Thành, Nguyễn Văn Hồng đã bàn bạc với Bùi Thị Dáng Thi, Phan Thị Thu, Lâm Srương kê khống tài sản thiệt hại của các hộ dân trong vùng dự án để chiếm đoạt tiền. Các bị can Lê Thị Hương, Lê Xuân Quyết không tố giác tội phạm. Bị can Lê Văn Tèo, nguyên Chủ tịch UBND xã Nha Bích từ năm 2005 đến 2010 đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm kê, xác nhận đất và tài sản của nhiều hộ dân trong vùng dự án.

“LÀM XIẾC” TRÊN BẢNG KÊ

Tâm lý chung của các hộ dân nằm trong vùng xây dựng các dự án được giải quyết đền bù sớm để an cư lạc nghiệp. Bởi, nếu kéo dài thời gian thì ngoài việc công trình bị ảnh hưởng tiến độ, còn nhiều vấn đề khác mà người dân phải lo như nhà ở xuống cấp, sản xuất đình trệ, sinh hoạt và đời sống sẽ gặp khó khăn. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân trong các vùng dự án nói chung và thủy lợi Phước Hòa nói riêng.

Dự án thủy lợi Phước Hòa là công trình hồ chứa, có nhiệm vụ cấp nước thô phục vụ dân sinh và công nghiệp cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Thủy lợi Phước Hòa đảm bảo nước tưới cho 58.360 ha đất nông nghiệp; bảo vệ môi trường cho hạ du sông Bé, xả đẩy mặn sông Sài Gòn và hỗ trợ tạo nguồn cho khoảng 58.000 ha ven sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông...

Nắm bắt được tâm lý này, những người được giao nhiệm vụ kiểm kê đền bù đã nghĩ trăm phương, ngàn kế hòng trục lợi và chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Thủ đoạn mà những đối tượng phạm pháp hay dùng là kéo dài thời gian chi trả tiền đền bù, ngâm hồ sơ kiểm kê, hoặc gửi ké cây trồng, tài sản vào các hộ dân... Người dân có biết cũng phải làm ngơ để nhanh chóng được giải quyết. Do vậy, với quyền hành trong tay, họ tha hồ “làm xiếc” trên các bộ hồ sơ để chiếm đoạt tiền.

Thủ đoạn thứ hai là, song song với biên bản kiểm kê hiện trạng chính thức thì những vị “công bộc” này viện dẫn nhiều lý do để các hộ dân ký khống vào biên bản thứ hai. Biên bản ký khống này là phương tiện để họ phù phép thêm ao nuôi cá, cây trồng, vật kiến trúc... Còn người dân khi đến nhận tiền đền bù thì căn cứ vào biên bản kiểm kê hiện trạng thật ban đầu để nhận tiền. Nếu có vấn đề xảy ra thì người dân vẫn nhận đủ tiền theo biên bản khống mà họ đã ký lần hai. Sau đó, những đối tượng này sẽ thu lại số tiền chênh lệch theo đúng như biên bản ban đầu. Lý do để thu tiền là “có sự nhầm lẫn nên thu hồi để nộp lại cho Nhà nước”. Nhưng thực chất là họ chiếm đoạt.

ĂN CHẶN TRẮNG TRỢN

Hộ ông Hà Công Đức ở khu phố 2, thị trấn Chơn Thành có 27.261m2 đất tại ấp 3, xã Nha Bích bị thiệt hại bởi dự án. Sau khi kiểm kê xong (năm 2007), ông Đức chờ mãi vẫn chưa được nhận tiền đền bù, trong khi nhiều hộ dân khác trong vùng dự án kiểm kê áp giá cùng đợt với ông đã nhận.

Năm 2008, ông Đức đến UBND xã Nha Bích gặp ông Lê Văn Thành là cán bộ địa chính xã, cũng là thành viên tổ kiểm kê để hỏi. Ông Thành nói chưa đến đợt nên phải chờ và yêu cầu ông Đức dẫn đi xem hiện trạng đất đã được kiểm kê. Sau đó, ông Thành bàn bạc với Hoàng Đình Hòa, Tổ trưởng kê khống thêm ao hồ, chuồng... để rút ruột tiền của nhà nước. Hòa giao cho Thành một bộ hồ sơ kiểm kê chưa ghi nội dung để ông Đức ký khống vào. Sau đó Hòa tự điền khối lượng ao đào, cây trồng... vào bộ hồ sơ này với tổng giá trị tiền bồi thường khống khoảng 230 triệu đồng. Biên bản này sau khi được các thành viên trong tổ kiểm kê xác nhận và ông Lê Văn Tèo, Chủ tịch UBND xã Nha Bích ký hoàn tất, Thành gọi điện cho ông Đức đi nhận tiền từ ngân hàng. Ông Đức nhận được hơn 910 triệu đồng. Sau khi nhận xong tiền, Thành yêu cầu ông Đức đưa lại 230 triệu đồng nói là tiền công. Ông Đức không đồng ý, Thành lấy ra một tờ giấy và bảo: “Đất ông bị lấn chiếm chỉ còn 2,7 ha, tương đương 681 triệu đồng, số dư còn lại là của anh em tụi này”. Ông Đức đưa lại cho Thành 230 triệu đồng. Khi Thành bỏ đi và để quên giấy tờ 10 hộ dân đã nhận tiền, trong có tên mình được nhận hơn 910 triệu đồng, ông Đức nghĩ bị Thành lừa nhưng không đủ chứng cứ nên không dám tố cáo. Đến khi Công an huyện Chơn Thành mời lên làm việc, ông Đức mới khai toàn bộ sự thật.

Cũng bằng thủ đoạn trên, Thành và đồng phạm đã kê khống thêm vào các hộ dân khác, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Sinh ở ấp 4, xã Nha Bích với số tiền khống 100 triệu đồng. Hộ Phan Thị Thu có đất ở ấp 2 cũng bị kê khống thêm 107 triệu đồng.

VỪA ĐẠO DIỄN, VỪA DIỄN VIÊN VÀ CŨNG LÀ NẠN NHÂN

Đó là trường hợp của Bùi Thị Dáng Thi trong vụ án. Dáng Thi là nhân viên Công ty Bảo hiểm Prudential nhưng có 1,8 ha đất nông nghiệp tại ấp 1, xã Nha Bích đã được kiểm kê hiện trạng, lập hồ sơ đền bù từ năm 2008. Trong khi chờ nhận tiền, Thi kể chuyện cho đồng nghiệp là Lê Thị Hương biết. Hương khoe có chồng là Nguyễn Văn Hồng, cán bộ Phòng Quản lý công trình xây dựng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên hứa sẽ giúp Thi bằng cách nhờ Hồng nói với Hoàng Đình Hòa.

Trong vụ án có trường hợp của Huỳnh Văn Hai, cán bộ giao thông thủy lợi xã Nha Bích là người làm hồ sơ cho các hộ Huỳnh Hoàng Oanh, Nguyễn Văn Sinh gây thiệt hại cho Nhà nước. Nhưng do ông Hai đã chết nên không đặt ra vấn đề trách nhiệm cũng như hành vi. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người nhà của ông Hai đã nộp lại số tiền vi phạm.

Hồng hỏi Thi về hiện trạng đất thì biết rằng diện tích đất đó được Thi khai thác sỏi phún. Thi đặt vấn đề chuyển hiện trạng đất hầm thành ao đào, nếu được bồi thường sẽ chia cho Hồng một nửa. Hồng, Hòa và Thi cùng bàn bạc và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để biến 1,8 ha đất khai thác sỏi phún thành ao đào, với tổng giá trị bồi thường 1 tỷ 107 triệu đồng. Trong đó, số tiền kê khống được xác định khoảng 645 triệu đồng. Khi nhận được tiền, Thi mang đến cơ quan đưa cho Hương 322 triệu đồng. Số tiền này được Hồng chia cho Hòa 180 triệu đồng. Hòa “cho lại” Hồng 10 triệu đồng. Cầm được số tiền do phù phép mà có, Hòa mua đất tại thị xã Đồng Xoài, còn Hồng phần để tiêu xài, phần qua “thử tài” tại các sòng bạc ở Campuchia nhưng đều bị “sạch” túi. Trường hợp của Thi trong vụ án đã đóng tròn vai một diễn viên, một đạo diễn về chuyển đổi hiện trạng đất và cũng là nạn nhân của lòng tham, của hành vi vi phạm pháp luật.

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, các bị can trong vụ án đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 2,1 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được hơn 1,7 tỷ đồng. Cáo trạng của Viện kiểm sát cũng đã phân tích đầy đủ các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội của từng bị can. Theo đó, viện đã ra quyết định truy tố: Hoàng Đình Hòa, Lê Văn Thành, Bùi Thị Dáng Thi, Phan Thị Thu, Lê Văn Tèo, Lâm Srương, Nguyễn Văn Hồng ra trước tòa án để xét xử công khai về các tội: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội không tố giác tội phạm đối với Lê Thị Hương, Lê Xuân Quyết theo quy định của pháp luật.

Hiện vụ việc đang được Tòa án Nhân dân tỉnh thụ lý. Đây là bài học để lại không chỉ các nghi, bị can mà còn cho những ai đang ảo tưởng làm “ảo thuật gia” để rút ruột tiền của nhà nước.

Tấn Phong

  • Từ khóa
92016

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu